Các năm trước, chăn nuôi "được con lợn mất con gà, được con gà mất con trâu". Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi được toàn diện cả gia súc, gia cầm và thủy sản, tốc độ tăng trưởng cao nhất trong lịch sử.
Theo báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), ngành chăn nuôi phải đối mặt với rất nhiều dịch bệnh như: dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng, bệnh tại xanh trên lợn, cúm gia cầm và một số bệnh trên thủy sản. Song, các bệnh dịch này đều được khống chế tốt, giúp giảm thiểu thịt hại cho người chăn nuôi.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi về cơ bản được kiểm soát. Cả nước xảy ra 1.008 ổ dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn tiêu hủy trên 43.000 con, tổng trọng lượng khoảng 2.157 tấn.
Trong khi đó, tốc độ tái đàn, tăng đàn lợn rất nhanh. Tính đến cuối tháng 7.2020, tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31.12.2018). Có 12 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%, trung bình là 118,3% so với thời điểm trước khi có dịch.
Tốc độ tái đàn, tăng đàn nhanh giúp giá lợn hơi giảm mạnh |
Tại Hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2020 sáng 3.9, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, sau thời kỳ cao điểm của dịch tả lợn châu Phi, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn theo hướng đảm bảo an toàn sinh học. Thời gian qua, tốc độ tái đàn lợn của các địa phương rất nhanh, góp phần đưa giá lợn hơi dần xuống mức hợp lý.
Không chỉ đàn lợn có tốc độ tăng trưởng nhanh, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 8.2020, đàn bò tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2019; đàn gia cầm ước tăng 4,5%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2,82 triệu tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cá các loại ước đạt gần 2 triệu tấn, tương đương cùng kỳ; sản lượng tôm các loại đạt 539 nghìn tấn, tăng 2,9% (tôm sú đạt 193,6 nghìn tấn, tăng 4,7%; tôm thẻ chân trắng đạt 271,4 nghìn tấn, tăng 3,5%).
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường ghi nhận kết quả tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong 8 tháng, đạt 6,7% - mức tăng trưởng cao nhất trong lịch sử ngành.
Theo Bộ trưởng, các năm trước chăn nuôi "được con lợn mất con gà, được con gà mất con trâu", riêng năm 2020 được toàn diện cả gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bộ trưởng Cường nhận định, công tác quản lý của hệ thống ngành nông nghiệp nói chung, hệ thống chăn nuôi thú y nói riêng thông suốt, từ Chính phủ, các Bộ, ngành tới các địa phương là tác nhân quan trọng giúp ngành chăn nuôi đạt được kết quả ấn tượng.
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao |
Đến nay, 98% số xã bị dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế qua 30 ngày. Mặc dù vẫn xuất hiện một số ổ dịch cúm gia cầm lẻ tẻ, song chưa khi nào đàn gia cầm Việt Nam đạt xấp xỉ 500 triệu con như hiện tại.
Song, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, "trông cây quanh năm không bằng một ngày trông quả", 4 tháng cuối năm vô cùng quan trọng, nguy cơ rủi ro dịch bệnh thách thức rất lớn tới thành quả trong 8 tháng qua.
Ông khuyến cáo, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn bởi chưa bao giờ mật độ chăn nuôi cao như vậy, trong khi ở Việt Nam phần lớn vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ; mầm bệnh từ biên giới, mầm bệnh ngay tại chỗ vẫn thường trực. Nếu lơ là chủ quan, dịch bệnh rất có thể “thổi bay” thành quả đã đạt được.
Các địa phương phải tăng cường công tác vệ sinh thú y, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học để ứng phó với dịch bệnh, bảo vệ thành quả ngành chăn nuôi. “Cố gắng để chăn nuôi trở thành ngành đóng góp chính cho nông nghiệp, nhưng sự đóng góp đó phải thực sự bền vững”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Theo Vietnamnet