Nếu không lựa chọn kỹ càng, người tiêu dùng có thể mua phải thịt gia súc, gia cầm ế từ hôm trước...
Nếu không có kinh nghiệm, người tiêu dùng có thể mua phải thịt ế với giá như thịt tươi ngon
(ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Hiện nay vẫn có tình trạng thịt gia súc, gia cầm không bán hết trong ngày, không còn bảo đảm chất lượng nhưng vẫn được bán ra thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người tiêu dùng.
Đông Ngô Quyền là chợ có tiếng về sự phong phú các loại thịt sống như gà, lợn, bò, vịt, ngan... Đã hơn 7 giờ tối, hầu hết các điểm bán rau xanh, hoa quả, đồ khô đã thu dọn thì nhiều sạp bán thịt vẫn còn. Các sạp này chưa muốn thu dọn vì vẫn hy vọng sẽ còn khách như sinh viên, công nhân... đi làm về muộn đến mua. Dừng tại một sạp bán thịt gà, thịt lợn nằm cạnh cổng chợ, các miếng thịt lợn không còn tươi, màu nhợt nhạt, mùi ôi xộc lên mũi. Người bán hàng đon đả mời chào: "Anh mua hộ em ít thịt! Em lấy rẻ thôi". Khi chúng tôi đặt vấn đề mua thịt lợn và thịt gà với số lượng lớn để làm dịch vụ, chủ sạp phấn khởi nói: “Anh lấy bao nhiêu cũng có. Em có thể giao hàng vào buổi trưa hoặc chiều tối mỗi ngày. Nếu mua nhiều, em sẽ bớt vài giá”.
Việc bị ế thịt đã là chuyện bình thường của những người buôn bán mặt hàng này. Chị P.T.H. bán thịt cho biết: "Những hôm nào đắt hàng, lượng thịt lấy vào được tiêu thụ hết, còn có hôm ế mất vài kg. Những người buôn bán mặt hàng này đều phải xác định từ trước bị ế thịt trong ngày và vui vẻ chấp nhận".
Cũng như ở chợ đông Ngô Quyền, vào cuối buổi chiều, nhiều sạp thịt ở các chợ trong thành phố như: Cẩm Thượng, Thanh Bình, Hải Tân… vẫn còn với số lượng lớn. Thời điểm này, những miếng thịt lợn không còn tươi. Nhất là vào những hôm thời tiết nắng nóng, thịt bị ôi thiu, có mùi khó chịu. Điều đáng nói là các chủ quán đều không có biện pháp bảo quản để ruồi, nhặng đậu đầy phản thịt.
Hiện tượng thịt ế tồn tại nhiều ở các chợ đô thị, còn các chợ nông thôn rất ít, vì lượng người mua và số lượng thịt lấy vào được định lượng khá rõ.
Thịt ế không được các hộ buôn bán bỏ đi mà tìm cách tiếp tục bảo quản để phục vụ người tiêu dùng với nhiều cách. Cách phổ biến nhất là các hộ đưa vào tủ đá để ngày hôm sau bán tiếp. Thịt ế được bày bán lẫn vào thịt tươi vừa được lấy về nên rất khó bị phát hiện. Người mua không tinh rất dễ mua phải.
Chị Nguyễn Thị Thảo là công nhân đang thuê trọ ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) cho biết: “Hằng ngày, do công việc, tôi thường về nhà khá muộn và 7 - 8 giờ tối mới đi chợ để mua đồ ăn. Tháng trước, tôi đi chợ Việt Hòa gần nhà mua gần 1 kg thịt lợn và xương sườn. Về nhà, tôi nhìn kỹ thấy miếng thịt màu nhợt nhạt, xương có màu thẫm và bốc mùi ôi thiu. Tôi đã phải bỏ đi. Từ hôm đấy, tôi không mua thịt ở quán đó nữa và lúc mua chọn thịt cẩn thận hơn để bảo đảm sức khỏe và không bị mất tiền oan".
Theo nhiều bà nội trợ có kinh nghiệm, khi mua nhìn miếng thịt phải còn tươi, cầm vào có độ dính và đàn hồi, nếu cẩn thận hơn đưa lên ngửi sẽ phát hiện được ngay. Còn nếu thịt đã để tủ đá, người mua cầm miếng thịt sẽ thấy thịt đổ “mồ hôi” và cứng hơn bình thường.
Những loại thịt ế thường được cung cấp cho các nơi nấu cơm tập thể, quán cơm bình dân, chế biến thành những món nướng, món quay, món rán. Vì khi đã được tẩm ướp gia vị và qua chế biến, người ăn sẽ rất khó phát hiện. Khi ăn những loại thực phẩm này rất dễ bị các bệnh về đường tiêu hóa. Bà Nguyễn Thị N. có thâm niên làm nghề nấu ăn ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết, do lợi nhuận nên nhiều chủ quán cơm bình dân, nơi bán đồ chế biến sẵn sẵn sàng nhập những loại thịt kém chất lượng về làm. Bà N. đưa ra ví dụ, nhà bà hôm nào làm chả thịt lợn lá lốt, mua 3 lạng thịt mông tươi ngon phải mất khoảng 24.000 đồng, nhưng ra ngoài chợ mua 1 kg chả lá lốt chỉ có gần 50.000 đồng. Nếu 1 kg chả lá lốt bán với giá như vậy thì mua thịt tươi ngon về làm đã không đủ chứ chưa tính đến tiền mua nguyên liệu, gia vị khác và tiền công.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các loại thịt lợn ế được các hộ buôn bán đổ cho khách có nhu cầu với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, còn thịt gà 10.000 - 20.000 đồng/kg, đều thấp hơn giá thịt lợn, thịt gà tươi sống từ 40.000 - 50.000 đồng/kg.
TRUNG TÂM