Thiếu vật tư y tế, người khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế có được hoàn tiền?

16/07/2022 08:36

Do tình trạng thiếu hụt thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thông tin về phương án hoàn tiền cho người bệnh khi phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài.

Người nhà bệnh nhân đến quầy cáp phát thuốc BHYT

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, hiện nay, có 1.030 thuốc hóa dược, sinh phẩm và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Bên cạnh đó, có 349 vị thuốc y học cổ truyền; 229 thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu với khoảng trên 1.200 chế phẩm thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế (BHYT).

Bên cạnh đó, theo các văn bản quy định về việc phân loại dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật, có khoảng trên 19.000 dịch vụ kỹ thuật được Bộ Y tế quy định cho phép thực hiện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay có 9.190 dịch vụ đủ điều kiện được thanh toán theo chế độ BHYT (trong có chỉ có 124 dịch vụ/nhóm dịch vụ được quy định điều kiện, tỷ lệ thanh toán).

Theo BHXH Việt Nam, trong 19.000 dịch vụ nêu trên có nhiều dịch vụ cùng tên hoặc khác tên nhưng cùng bản chất, cùng quy trình được sắp xếp tại nhiều chuyên khoa khác nhau dẫn đến trùng lặp; danh mục cũng bao gồm nhiều dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ như dịch vụ thẩm mỹ, làm răng giả…; có một số dịch vụ chưa được quy định mức giá thanh toán.

Danh mục dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT có đầy đủ các dịch vụ kỹ thuật theo 28 chuyên khoa/chuyên ngành, bao gồm cả các kỹ thuật y học hiện đại và y học cổ truyền từ tuyến xã đến tuyến Trung ương.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho hay, trong thời gian qua, thực tế theo dõi và phản ánh của người bệnh cho thấy, việc xảy ra tình tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh tại một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT.

Theo đó, một số tỉnh thiếu thuốc như tỉnh Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Quảng Nam...

Trao đổi về phương án hoàn tiền mua thuốc, vật tư y tế trong thời gian vừa qua, ông Lê Văn Phúc cho hay, trong quy định về thanh toán trực tiếp đối với người bệnh không có việc phải thanh toán khi người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài.

Bên cạnh đó, Nghị định 146 của Chính phủ năm 2018 quy định rất rõ cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm phải đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người tham gia BHYT. Rõ ràng, trách nhiệm này thuộc cơ sở khám chữa bệnh.

"Như vậy, để thanh toán được phải có ý kiến các cấp có thẩm quyền. Thanh toán cho bệnh viện hay người bệnh, việc này phải có cấp có thẩm quyển", ông Lê Văn Phúc thông tin.

Luật BHYT quy định, một số trường hợp đặc biệt có thể thanh toán trực tiếp. Vậy, phải xác định đây có phải trường hợp thanh toán trực tiếp hay không?

"Chúng tôi chờ ý kiến, hướng dẫn của Bộ Y tế để triển khai thực hiện. Có 2 hình thức là cơ sở khám chữa bệnh thanh toán cho người bệnh, sau đó BHXH sẽ quyết toán cho cơ sở khám chữa bệnh và có thể thanh toán trực tiếp. Song việc thanh toán trực tiếp sẽ khó khăn. Chúng ta sẽ áp dụng mức giá nào để khám cho người bệnh, chất lượng thuốc đó có đảm bảo hay không khi đi mua ngoài. Đặc biệt những thuốc cần đảm bảo, bảo quản theo quy định. Chúng ta không khuyến khích và không cho phép người bệnh tự đi mua thuốc. Có trường hợp thuốc đắt, người bệnh không thể bỏ số tiền ra mua về sau đó mới thanh toán", ông Lê Văn Phúc cho biết.

Cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm, vừa đảm bảo mức giá, chất lượng, quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã chỉ đạo người đứng đầu BHXH các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất để phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đảm bảo ngay việc cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh BHYT. Tuyệt đối không để người bệnh BHYT phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Thiếu vật tư y tế, người khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế có được hoàn tiền?