Thiếu nguồn lực nên nhiều xã ở Hải Dương chưa đầu tư cho tiêu chí thủy lợi, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp ngày càng cao của người dân.
Cạn kiệt vốn
Theo kế hoạch, xã Minh Đức (Tứ Kỳ) sẽ về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Tuy nhiên, đến nay xã mới hoàn thành 10 trong tổng số 19 tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao. Để trở thành xã nông thôn nâng cao, xã cần nguồn lực lớn để đầu tư nhưng hiện ngân sách xã rất eo hẹp. Địa phương vẫn còn nợ đầu tư công từ giai đoạn trước nên nếu có kinh phí cũng phải ưu tiên để trả nợ. Nhiều mục tiêu chưa hoàn thành, trong đó có tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai.
Minh Đức là xã lớn với diện tích đất nông nghiệp trên 800 ha, trong đó có 680 ha chuyên lúa. Hệ thống kênh mương do địa phương quản lý dài gần 80 km, gồm 14 km kênh cấp 2, còn lại là kênh mặt ruộng. Tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa thấp, xây dựng từ lâu, nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng nên không đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch UBND xã Minh Đức thừa nhận: “Từ nhiều năm nay, địa phương không có nguồn lực để duy tu các công trình thủy lợi. Kinh phí để bảo trì, bảo dưỡng công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đều trông chờ vào nguồn thủy lợi phí. Ngoài ra, yêu cầu tỷ lệ cây trồng chủ lực của địa phương được tưới tiên tiến, tiết kiệm đạt từ 15% trở lên cũng rất khó thực hiện”.
Qua rà soát, xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) đã hoàn thành tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai. Dù vậy, thực tế hệ thống công trình thủy lợi của địa phương vẫn còn rất nhiều khó khăn. Toàn bộ gần 50 km kênh mương do địa phương quản lý đều là kênh đất dẫn đến việc điều tiết nước tưới phải kéo dài.
Ông Hoàng Văn Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tiền Tiến cho biết: “Với diện tích đất nông nghiệp trên 600 ha, hợp tác xã được khoảng 300 triệu tiền cấp bù thủy lợi phí. Kinh phí này dùng để trả lương cho cán bộ hợp tác xã, nông giang và tu sửa, nạo vét kênh mương. Do kinh phí hạn hẹp, trong khi hệ thống thủy lợi toàn bộ là kênh đất, nhiều đoạn kênh bị bồi lắng gây ách tắc, khó khăn trong điều tiết nước". Do vậy, hợp tác xã phải "đong đếm" để bảo đảm tưới, tiêu cho toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn Hải Dương đã được hình thành từ lâu. Để bảo đảm phục vụ sản xuất trong tình hình mới thì cần tiếp tục cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện để duy trì, bảo đảm năng lực công trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy vậy, do khả năng ngân sách có hạn nên Đề án kiên cố hóa kênh tưới trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013-2020 đã phê duyệt nhưng không tổ chức thực hiện đồng loạt, mà chỉ thực hiện lồng ghép việc kiên cố hóa kênh tưới vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, nguồn lực của các địa phương còn hạn chế nên việc hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng ít được quan tâm, đầu tư.
“Giật gấu, vá vai”
Với các xã, thủy lợi phí gần như là nguồn duy nhất để địa phương đầu tư cho hệ thống thủy lợi. “Giật gấu, vá vai”, co, kéo cũng là cách duy nhất để các địa phương bảo đảm tưới, tiêu cho diện tích sản xuất nông nghiệp.
Hiện mới vào đầu sản xuất vụ mùa nhưng Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh Đức đã phải chi 60 triệu đồng đề tu sửa máy móc, vượt 20 triệu đồng so với dự trù kinh phí trước đó của đơn vị. Trước đây, hợp tác xã được cấp bù hơn 700 triệu tiền thủy lợi phí nhưng nay chỉ còn được hơn 500 triệu đồng. Trong đó hơn 400 triệu đồng dành cho thủy lợi nội đồng. Các trạm bơm do hợp tác xã quản lý đều được xây dựng từ rất lâu, đã quá thời gian sử dụng nhưng địa phương không có kinh phí để đầu tư mới. "Mỗi khi vào đầu vụ sản xuất, hợp tác xã phải co, kéo đủ kiểu để có kinh phí trùng tu máy móc, nạo vét kênh mương, trả tiền điện… Riêng các hệ thống kênh cấp 3 do người dân hưởng lợi trực tiếp đóng góp để tu sửa nhưng việc tu sửa cũng không được thường xuyên", ông Trần Ngọc Chấn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh Đức nói.
Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 gồm 19 tiêu chí với 74 chỉ tiêu, trong đó nhiều chỉ tiêu tăng so với Bộ tiêu chí giai đoạn trước. Những chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới nâng cao được bổ sung trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hướng tới xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu nên cần có nhiều thời gian và nguồn lực đầu tư. Trong khi đó, nguồn lực triển khai thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao chủ yếu là huy động từ nguồn ngân sách của địa phương, nguồn huy động xã hội hóa trong nhân dân.
Tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng, chống thiên tai được xem là một trong những tiêu chí thiết yếu, bởi một khi thực hiện tốt tiêu chí này thì đồng nghĩa với việc địa phương đã đáp ứng tốt việc sản xuất, sinh hoạt của người dân nông thôn. Tuy nhiên, khi thực hiện, các tiêu chí khác như y tế, giáo dục, giao thông, văn hóa… thường được xác định là những tiêu chí cấp thiết phải đầu tư để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai chưa được các địa phương quan tâm, đầu tư đúng mức hoặc mới chỉ đầu tư theo kiểu “giật gấu, vá vai”.
Thủy lợi là một trong những tiêu chí thuộc nhóm “Hạ tầng kinh tế - xã hội” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, được ban hành kèm theo Quyết định số 1378/QĐ-UBND ngày 7/6/2024 của UBND tỉnh. Theo đó, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động phải đạt 100%. Có từ 1 tổ chức thủy lợi trở lên hoạt động hiệu quả. Tỷ lệ diện tích cây trồng chủ lực của địa phương được tưới tiên tiến, tiết kiệm đạt từ 15% trở lên. 100% công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được bảo trì hằng năm...
Tăng cường nguồn lực để đầu tư cho công trình thủy lợi cấp xã
Hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh Hải Dương phát triển sớm, rộng khắp với số lượng lớn. Những năm gần đây, nhiều công trình đầu mối phục vụ điều tiết tưới tiêu đã được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, góp phần hạn chế tình trạng úng, hạn do thiên tai gây ra. Nhiều trạm bơm được cải tạo nhà trạm, nâng cấp máy móc thiết bị. Nhiều cống, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, kè lát mái, nạo vét lòng kênh đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống công trình thủy lợi do địa phương quản lý chưa đồng bộ với các công trình, hệ thống công trình thủy lợi quy mô lớn đã được Trung ương, tỉnh đầu tư. Do đầu tư còn thấp nên năng lực phục vụ chưa cao, còn nhiều kênh mương nội đồng bị bồi lắng, chưa được nạo vét, khơi thông dòng chảy… Vì vậy, tình trạng bị ngập hay bị thiếu nước cục bộ còn xảy ra ở một số nơi, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến cây trồng, vật nuôi của nông dân.
Để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần rà soát hiện trạng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đã được phân cấp quản lý, khai thác, đặc biệt là các tuyến kênh nội đồng. Xem xét cân đối, bố trí các nguồn vốn do cấp huyện, cấp xã quản lý để xây dựng kế hoạch thực hiện nạo vét, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi đã xuống cấp, năng lực sử dụng kém. Tăng cường xã hội hóa đầu tư cho thủy lợi, huy động sự đóng góp của tổ chức, hộ dân hưởng lợi từ công trình để đầu tư thực hiện duy tu, sửa chữa, cải tạo các công trình thủy lợi nội đồng.
Nguyễn Văn Bột, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương
Cần đánh giá linh hoạt chỉ tiêu “cây trồng chủ lực được tưới tiên tiến, tiết kiệm"
Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) xác định trọng tâm là phát triển tiểu thủ công nghiệp. Do vậy, việc thực hiện tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, chỉ tiêu “tỷ lệ diện tích cây trồng chủ lực của địa phương được tưới tiên tiến, tiết kiệm đạt từ 15% trở lên” cứng nhắc và khó thực hiện.
Với nhiều địa phương, lúa là cây trồng chủ lực. Loại cây trồng này không đòi hỏi phải tưới tiên tiến, tiết kiệm. Hình thức tưới này thường chỉ áp dụng cho các loại cây trồng trong nhà màng, nhà lưới. Thực tế, nhiều địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng không thành công. Việc đầu tư này đòi hỏi nguồn vốn lớn và phải có tính toán lâu dài. Đặc biệt với Vĩnh Hưng thì chỉ tiêu này rất khó triển khai.
Do vậy, khi thẩm định tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai, ngành chức năng cần căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương, xem xét loại cây trồng chủ lực để đánh giá linh hoạt việc thực hiện chỉ tiêu này. Việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm tránh gây lãng phí các nguồn lực.
Vũ Văn Hệ, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Hưng (Bình Giang)