Pháp luật

Thiếu cơ sở vật chất phục vụ công tác xét xử

THÀNH ĐẠT 22/09/2023 15:00

Hầu hết trụ sở Tòa án Nhân dân hai cấp ở tỉnh Hải Dương được xây dựng đã lâu, chật hẹp, xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của ngành.

00:00

W_z4705079010279_9a405f1a3682b72e4980a613d72aa230.jpg
Tại buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương phản ánh hội trường xét xử hiện nay chật hẹp, cần được cải tạo, mở rộng

Trụ sở chật hẹp, xuống cấp

Tòa án Nhân dân thị xã Kinh Môn hiện có 17 biên chế. Trụ sở này được xây dựng từ năm 2000 với diện tích hơn 700 m2. Tòa chỉ có 2 hội trường trung tâm với diện tích khá nhỏ, không đáp ứng được những vụ xét xử có nhiều đương sự. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm đơn vị thụ lý khoảng 800 vụ án. Số lượng vụ án được thụ lý tăng đều qua từng năm.

Ông Bùi Thế Hưng, Chánh án Tòa án Nhân dân thị xã Kinh Môn cho biết: “Hiện nay đơn vị còn thiếu 8 phòng làm việc như phòng thẩm phán, thư ký, phòng hòa giải, kho lưu trữ. Chúng tôi đã đề nghị thị xã cấp đất, đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao quan tâm bố trí kinh phí để đơn vị sớm xây dựng trụ sở mới, bảo đảm điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức và công tác xét xử”.

Tương tự, trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Giàng được xây dựng từ năm 2002 có diện tích 1.283 m2. Trụ sở có niên hạn 5 năm sửa chữa một lần nhưng mỗi lần sửa chữa kinh phí được cấp khá ít nên còn bất cập. Hiện Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Giàng có 10 phòng làm việc với diện tích nhỏ, nhiều phòng chỉ khoảng 10-12 m2.

Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Giàng cũng chỉ có 1 hội trường xét xử rộng khoảng 90 m2 phục vụ xét xử chung tất cả các loại án nên chưa đáp ứng yêu cầu xét xử. Công trình trụ sở làm việc đã xuống cấp.

W_z4705078924701_03f9e677215bc582973edb0560108174.jpg
Trần nhà phòng nghị án của Tòa án Nhân dân thị xã Kinh Môn bị thấm dột

Hiện chỉ có Tòa án Nhân dân TP Chí Linh, Tòa án Nhân dân huyện Thanh Miện đang trong quá trình xây dựng trụ sở mới. 10 đơn vị cấp huyện còn lại trong tỉnh Hải Dương có khuôn viên và trụ sở chật hẹp, thậm chí có hạng mục đã xuống cấp, bong tróc sơn, thấm dột, nứt mái... Đến nay, số biên chế của các đơn vị đều tăng gấp đôi so với thời điểm xây dựng trụ sở trước đây. Các trụ sở xuống cấp, xập xệ ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tòa án.

Không chỉ tại Tòa án Nhân dân cấp huyện, tại Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương cũng thiếu phòng xét xử. Phòng hòa giải, đối thoại còn nhỏ hẹp, chưa có phòng xét xử thân thiện.

Sáng 6/6/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 69 bị cáo về các tội giả mạo trong công tác, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đây là một trong số các vụ xét xử có nhiều bị cáo nhất từ trước đến nay. Tại hội trường xét xử số 1 của Tòa án Nhân dân tỉnh, các bị cáo phải ngồi tại khu vực ghế dành cho người nhà bị cáo, bị hại. Còn người nhà bị cáo, bị hại phải đứng ngoài sân để nghe qua loa diễn biến phiên tòa.

W_z4705078806955_2993e25c0221fd6b42a41f1155c09572.jpg
Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm 69 bị cáo về các tội giả mạo trong công tác, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Do hội trường xét xử chật hẹp nên nhiều bị cáo phải ngồi tại khu vực ghế dành cho người nhà bị cáo, bị hại (ảnh tư liệu)

Kiến nghị gỡ khó

Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, hiện ngành tòa án tỉnh Hải Dương còn chưa được đầu tư, lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến đồng bộ. Các thiết bị đang dùng phục vụ cho xét xử trực tuyến chủ yếu tận dụng các trang thiết bị họp trực tuyến nên chất lượng hình ảnh, âm thanh và phần hiển thị hình ảnh chưa đạt yêu cầu theo quy định. Một số đơn vị phải thuê thiết bị để phục vụ xét xử rất tốn kém, trong khi không được bố trí nguồn cho nội dung này.

Để giải quyết khó khăn trên, đại diện Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương cho rằng trong thời gian chờ Chính phủ cấp kinh phí thực hiện dự án trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên toà trực tuyến, Tòa án Nhân dân hai cấp trong tỉnh cần chủ động khắc phục khó khăn để bảo đảm việc triển khai thi hành hiệu quả Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Ông Bùi Đăng Huy, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư kinh phí, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng phiên tòa xét xử trực tuyến; xây dựng, cải tạo phòng xét xử nói chung và phòng xét xử thân thiện cho tòa gia đình và người chưa thành niên theo mô hình mới, bảo đảm diện tích, đúng tiêu chuẩn...

THÀNH ĐẠT
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu cơ sở vật chất phục vụ công tác xét xử