Đây là một trong nhiều khó khăn về cơ sở vật chất của Toà án Nhân dân 2 cấp trong tỉnh Hải Dương.
Chiều 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương giám sát tại Toà án Nhân dân tỉnh về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác xét xử các vụ án hình sự và giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình và lao động trên địa bàn, giai đoạn 2020-2022.
Lãnh đạo Toà án Nhân dân tỉnh Hải Dương cho biết hiện chưa có hội trường xét xử chuyên biệt theo mô hình phiên toà thân thiện để xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, các tranh chấp liên quan đến người tham gia tố tụng là người chưa thành niên. Một số đơn vị cấp huyện có khuôn viên và diện tích trụ sở còn nhỏ hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu làm việc và xét xử hiện nay. Nhiều đơn vị chưa được trang bị máy chiếu, ti vi, camera để thực hiện các phiên toà xét xử... Toà án Nhân dân tỉnh đề nghị Toà án Nhân dân tối cao và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư kinh phí, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng phiên toà trực tuyến; nâng cấp, cải tạo phòng làm việc của hoà giải viên, phòng hoà giải, đối thoại và xây dựng phòng xét xử, phòng xét xử thân thiện cho Toà gia đình và người chưa thành niên theo mô hình mới, bảo đảm diện tích, đúng tiêu chuẩn.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá cao những kết quả của Toà án Nhân dân 2 cấp trong tỉnh Hải Dương trong giai đoạn 2020-2022, đồng thời tiếp thu những phản ánh về khó khăn về hệ thống cơ sở vật chất và những ý kiến góp ý Luật Tổ chức Toà án Nhân dân (sửa đổi).
Trước đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã giám sát tại Toà án Nhân dân TP Hải Dương, Toà án Nhân dân TP Chí Linh về cùng nội dung.
THÀNH ĐẠT