Phần lớn lực lượng dạy tiếng Anh ở trường tiểu học là giáo viên hợp đồng nên phải chịu nhiều thiệt thòi.
Thầy giáo tiếng Anh Nguyễn Đình Thịnh (Trường Tiểu học Hưng Thịnh, Bình Giang) làm
thêm nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ để có thêm thu nhập
Hợp đồng thời vụThầy giáo Nguyễn Đình Thịnh có lẽ là người dạy môn tiếng Anh có thâm niên nhất ở bậc tiểu học của huyện Bình Giang. Năm 2002, tốt nghiệp đại học, thầy Thịnh về dạy ở Trường Tiểu học xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên). Do công việc bấp bênh, năm 2006, thầy xin sang dạy ở Trường Tiểu học Hưng Thịnh (Bình Giang) với mong muốn có thu nhập ổn định hơn. Nhưng 11năm qua, thầy Thịnh vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng (GVHĐ) của trường. Thầy Thịnh chỉ được nhà trường ký hợp đồng 9 tháng trong năm học còn 3 tháng hè thì không. Mỗi khi chuẩn bị vào năm học mới, thầy luôn lo lắng không biết mình còn được nhà trường tiếp tục ký hợp đồng lao động hay không.
Năm 2010, Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) bắt đầu đưa môn tiếng Anh vào dạy. Ban đầu, trường chỉ có 1 giáo viên, nay có tới 5 giáo viên dạy tiếng Anh. Cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, giáo viên dạy tiếng Anh ở trường này cho biết: "Tôi và 4 giáo viên khác dạy tiếng Anh của trường đều thuộc diện hợp đồng theo hình thức ký 9 tháng trong năm học. Mỗi tuần, chúng tôi phải dạy từ 20 tiết trở lên". Công việc khá vất vả vì yêu cầu chất lượng của nhà trường cũng như phụ huynh học sinh ngày càng cao. Do đó, để có những tiết dạy tạo hứng thú cho học sinh, những giáo viên như cô Ngọc Anh thường xuyên phải nghiên cứu, học hỏi, áp dụng công nghệ thông tin, tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế...
Môn tiếng Anh ngày càng được chú trọng giảng dạy trong các trường tiểu học nên nhu cầu về đội ngũ giáo viên cũng tăng cao, nhất là từ khi ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) của tỉnh đẩy mạnh thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" do Bộ GDĐT triển khai. Hiện nay, việc học tiếng Anh của các trường tiểu học trong tỉnh thực hiện bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3-5, còn học sinh lớp 1-2 học theo hình thức tăng cường.
Đề án và chủ trương về dạy và học tiếng Anh thì quy mô rất lớn, nhưng theo Sở GDĐT, năm học 2017 - 2018, bậc tiểu học có 548 giáo viên dạy tiếng Anh thì chỉ có 129 giáo viên trong biên chế, còn lại là hợp đồng (giáo viên biên chế chủ yếu là từ bậc THCS chuyển xuống). Trong số GVHĐ, phần lớn là do các trường ký (325 người, chiếm 77,5% ) và có thời gian làm việc ngắn hạn từ 3 - 9 tháng/năm, dù hầu hết họ đều có trình độ đại học.
Thu nhập thấpTrong năm, thu nhập của thầy Thịnh chỉ có tiền lương, không có khoản nào khác. Các tháng nghỉ hè không có lương, thầy Thịnh phải tự bỏ tiền để đóng bảo hiểm xã hội. |
|
Do môn tiếng Anh ở các trường tiểu học chỉ là môn tự chọn nên GVHĐ không được sắp xếp trong đề án vị trí việc làm của các địa phương và không được bố trí nguồn ngân sách chi trả lương. Các trường tự cân đối nguồn kinh phí chi trả cho GVHĐ dẫn tới mỗi nơi thực hiện một kiểu. Công việc của giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng vất vả không thua kém so với giáo viên biên chế, nhưng chế độ, chính sách, quyền lợi được hưởng lại rất thấp. Hầu hết họ không được tăng lương, trường không hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội 3 tháng hè không có phụ cấp đứng lớp.
Từ khi về công tác tại Trường Tiểu học Hưng Thịnh, thầy Thịnh được nhà trường chi trả hệ số lương bậc 1 đúng trình độ chuyên môn đại học. Trong năm, thu nhập của thầy Thịnh chỉ có tiền lương, không có khoản nào khác. Các tháng nghỉ hè không có lương, thầy Thịnh phải tự bỏ tiền để đóng bảo hiểm xã hội.
Cũng chung cảnh ngộ như thầy Thịnh, sau gần 10 năm đi dạy học ở nhiều trường khác nhau, hiện cô giáo Nguyễn Thị Dung vẫn là GVHĐ dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương). Hằng tháng, nhà trường trả cô Dung 4,3 triệu đồng, không có chế độ đứng lớp. Do nhà trường không hỗ trợ nên hằng tháng, cô mất khoảng 1,2 triệuđồng để đóng bảo hiểm xã hội.
Để có thêm nguồn thu, nhiều giáo viên phải tìm việc làm thêm. Có người tranh thủ buổi tối đi dạy ở trung tâm ngoại ngữ, làm gia sư, bán hàng qua mạng, làm hàng thủ công... "Rất may tôi có nghề phụ là chế tác đồ gỗ mỹ nghệ nên hằng ngày tôi nhận hàng về tranh thủ thời gian làm. Mỗi tháng bình quân cũng được thêm 2 triệu đồng. Những tháng hè, thu nhập của tôi khá hơn khoảng 6 triệu đồng/tháng nên mới có tiền chi tiêu và nuôi 2 con ăn học", thầy giáo Thịnh cho biết.
Do công việc bấp bênh, thu nhập thấp, nhiều giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng đã không chịu được đành ngậm ngùi từ bỏ công việc mình yêu thích để đi tìm việc khác. Nhiều người đi làm phiên dịch, chuyển hẳn sang dạy ở trung tâm ngoại ngữ, kinh doanh, buôn bán, đi lao động nước ngoài...
Ký hợp đồng với giáo viên tiếng Anh, các nhà trường cũng không muốn. Bất cập nhất hiện nay là các trường được thu tiền của học sinh ở lớp 1-2 để chi trả cho GVHĐ, còn từ lớp 3-5 lại không được thu. Do đó, các nhà trường rất vất vả lo tìm kinh phí trả tiền công cho người lao động. Đặc biệt, do ký hợp đồng lao động ngắn hạn với giáo viên nên nhà trường rất khó chủ động về nguồn nhân lực. Vào đầu năm học, các trường mới bắt đầu ký hợp đồng lao động với giáo viên, nếu có người không ký tiếp nhà trường sẽ gặp khó khăn để tìm người thay thế. Hoặc vào giữa kỳ học, giáo viên chấm dứt hợp đồng lao động thì nhà trường càng vất vả hơn.
Từ năm 2018, môn tiếng Anh sẽ trở thành môn bắt buộc đối với bậc tiểu học. Để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, tỉnh cần quan tâm bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ GVHĐ để họ yên tâm giảng dạy. Bà Hoàng Thị Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GDĐT) đề xuất: "Trước mắt, các huyện, thị xã, thành phố cần tăng số lượng giáo viên được ký hợp đồng theo diện trong biên chế. Thời gian tới, tỉnh từng bước tuyển giáo viên tiếng Anh vào biên chế, nhất là theo hình thức đặc cách đối với các giáo viên có năng lực, trình độ chuyên môn tốt và có thâm niên để tránh thiệt thòi cho họ".
DANH TRUNG