Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá

02/12/2021 08:24

Năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xác định chủ đề là “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”, phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 10%.

Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc tờ trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022


Năm 2021, với tinh thần “vượt khó - tăng tốc”, Hải Dương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, kiểm soát dịch bệnh và có tốc độ tăng trưởng bứt phá trong 6 tháng cuối năm.

Tăng trưởng GRDP năm 2021 ước đạt 8,6%

Đó là đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tờ trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII.

Theo tờ trình, năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) từ tăng trưởng âm trong quý I, chỉ đạt 3,9% trong quý II đã vươn lên mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm, ước đạt 8,6% cả năm (kế hoạch tăng 8,0% trở lên). Tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức 10/14 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của các đợt dịch Covid-19 nhưng Hải Dương đã phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh. Từ đầu năm đến ngày 1.12.2021, trong tỉnh ghi nhận 1.697 ca mắc Covid-19, chỉ có 1 ca tử vong; tiêm phòng được gần 1,8 triệu liều vaccine.

Năm 2021, tăng trưởng các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả nổi bật, là điểm sáng trong phát triển kinh tế. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước tăng 6,8% so với năm 2020 (kế hoạch 3%). Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,8% (kế hoạch 9,9%). Tỉnh hoàn thiện các thủ tục đầu tư 4 dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và tiếp tục triển khai 2 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã thành lập.

Tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 27,1% (kế hoạch 11%); giá trị hàng hoá nhập khẩu ước tăng 26,7% (kế hoạch 11,6%) so với năm 2020.

Kết quả thu ngân sách ước đạt 19.290 tỷ đồng, tăng gần 50% so với kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn vốn tín dụng huy động tiếp tục tăng trưởng, ước tăng 10%; dư nợ tín dụng ước đạt 104.000 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cuối năm 2020. 

Trong năm, tỉnh tập trung triển khai lập “Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; đôn đốc lập, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện; lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 và lập quy hoạch chi tiết xây dựng, hoàn thiện thủ tục đầu tư một số khu, cụm công nghiệp. Triển khai nghiên cứu phương án quy hoạch vùng công nghiệp động lực (khu kinh tế chuyên biệt) trên địa bàn huyện Thanh Miện - Bình Giang, diện tích khoảng 9.230 ha. Tập trung xây dựng chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, thanh tra, tư pháp, cải cách hành chính, nội vụ đạt nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 cũng còn những hạn chế. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số lượng doanh nghiệp dừng sản xuất, dừng hoạt động còn nhiều; chỉ tiêu thành lập doanh nghiệp mới chưa đạt yêu cầu.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng của tỉnh ước đạt 87,9% kế hoạch năm và giảm 3,4%; giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước đạt 93,9% kế hoạch năm và giảm 0,2% so với năm 2020. Các lĩnh vực về du lịch, vận tải, lưu trú có mức sụt giảm mạnh. Dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 12,6%, dịch vụ lữ hành giảm 74,5%, vận tải hành khách giảm 19,5%.        

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước ước đạt 49.113 tỷ đồng, giảm 3,3% so với năm trước. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 298,1 triệu USD, bằng 63% so với cùng kỳ năm 2020...

Chủ động ứng phó với biển chủng mới của virus SARS-CoV-2

Theo tờ trình, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xác định chủ đề của năm 2022 là “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”, phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 10%. Thu ngân sách nội địa tăng từ 10% trở lên so với dự toán giao. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 15%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 giảm còn 2%. Tỷ lệ các cụm công nghiệp (có chủ đầu tư hạ tầng) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 40%...      

Để đạt được mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là kiểm soát, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19; sẵn sàng, chủ động kế hoạch ứng phó với biển chủng mới của virus SARS-CoV-2 với những phương án, biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

Đẩy mạnh ứng dụng, đầu tư chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, quản lý nhà nước, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, dùng chuyển đổi số làm đòn bẩy quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Tập trung cao độ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển kinh tế. Tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp đã có chủ trương đầu tư. 

Tập trung nguồn lực cho Quỹ phát triển đất của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất “sạch” đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tập trung thu hút đầu tư phát triển khu dân cư, khu đô thị theo quy hoạch. Thu hút đầu tư ngay nhà máy xử lý rác tập trung cấp tỉnh; thu hút đầu tư khu nghĩa trang công viên để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Chuẩn bị các điều kiện, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn, bài bản để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài trong năm 2022 vào tỉnh. Thành lập các tổ công tác đặc biệt để đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư lớn thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, các đối tượng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt các mặt công tác quốc phòng - quân sự địa phương.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ nhằm cải cách hành chính, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá