Vì sao xăng dầu tăng phi mã nhưng lạm phát 2 tháng đầu năm chỉ tăng 1,68%

28/02/2022 15:14

Trong 2 tháng đầu năm xăng dầu liên tục tăng giá, trong đó xăng A95 cán mốc lịch sử 26.140 đồng/lít, cao nhất trong 8 năm qua, nhưng lạm phát chỉ tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước.

Vì sao xăng dầu tăng phi mã nhưng lạm phát 2 tháng đầu năm chỉ tăng 1,68% - Ảnh 1.

Xăng dầu tăng khiến lạm phát 2 tháng đầu năm tăng thêm 1,63% - Ảnh: BÔNG MAI

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá USD tháng 2.2022, được Tổng cục Thống kê công bố ngày 28.2 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI (lạm phát) 2 tháng đầu năm nay tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có 4 yếu tố làm tăng lạm phát trong 2 tháng đầu năm 2022, đó là giá xăng dầu, giá gas, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở (vật liệu xây dựng), và giá gạo, đồng loạt tăng.

Giải thích tình trạng vì sao giá nhiên liệu đầu vào xăng dầu tăng phi mã thời gian qua nhưng lạm phát 2 tháng đầu năm chỉ tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết trong 2 tháng đầu năm, giá xăng dầu được điều chỉnh 4 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 2.990 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.980 đồng/lít và giá dầu diesel tăng 3.230 đồng/lít. 

Bình quân 2 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.

Điều này đồng nghĩa với việc giá xăng dầu đóng góp phần lớn vào tỷ lệ tăng lạm phát trong 2 tháng đầu năm, các mặt hàng còn lại chỉ đóng góp 0,05% điểm phần trăm, bà Oanh nhấn mạnh.

Bà Oanh giải thích thêm, tỷ trọng đóng góp giá xăng dầu vào chỉ số lạm phát hằng tháng là 0,36%, nghĩa là xăng dầu tăng giá 10% sẽ làm chỉ số lạm phát tăng thêm 0,36 điểm phần trăm.

Ngoài xăng dầu, theo Tổng cục Thống kê, thì ba mặt hàng khác cũng tác động đến tăng lạm phát 2 tháng đầu năm nay, đó là giá gas tăng 18,64% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,77% so với cùng kỳ năm trước do giá ximăng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,4%, tác động làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm.

Ngoài các mặt hàng tăng giá, trong 2 tháng đầu năm nay có 3 mặt hàng giảm giá, kéo giảm CPI chung của 2 tháng. Đó là, giá các mặt hàng thực phẩm giảm 1,75%, giá dịch vụ giáo dục giảm 4,36%, giá thuê nhà ở giảm 16,36%, so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, nếu tính riêng trong tháng 2, chỉ số CPI chỉ tăng 1% so với tháng trước. 

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, chỉ có 1 nhóm hàng giảm giá. 

Các nhóm hàng hóa tăng giá mạnh trong tháng 2 là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,54%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,92%, giao thông tăng 2,35%, chỉ số giá vàng tăng giá 1,85%.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao xăng dầu tăng phi mã nhưng lạm phát 2 tháng đầu năm chỉ tăng 1,68%