Những ngày này, dạo qua một số cửa hàng kinh doanh vàng, bạc ở TP Hải Dương, chúng tôi thấy thị trường khá bình lặng.
Lượng khách giao dịch tại các cửa hàng vàng vẫn ổn định
Chị Lê Thị Ánh Hồng, chủ Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng, bạc Hải Hồng ở đường Trần Hưng Đạo cho biết: “Tôi có nghe thông tin tới đây sản xuất, kinh doanh vàng miếng sẽ do Nhà nước độc quyền quản lý và giao cho Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện. Tôi thấy đây là điều tốt, bởi thị trường vàng sẽ được thu về một mối, tình trạng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ thu hẹp khoảng cách, người mua có lợi hơn. Nhà nước không phân biệt vàng SJC hay vàng phi SJC thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, vẫn được mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép thì người dân vẫn có thể yên tâm sở hữu các thương hiệu vàng khác SJC”.
Bà Nguyễn Thị Yến, chủ Doanh nghiệp vàng bạc tư nhân Hương Yến, trên phố Lý Thường Kiệt cho biết: “Ngoài việc kinh doanh các loại vàng trang sức, hầu hết các cửa hàng kinh doanh vàng, bạc đều kinh doanh vàng miếng. Nghị định 24 quy định, doanh nghiệp kinh doanh, mua, bán vàng miếng phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng, có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng từ 3 tỉnh trở lên... các đơn vị đều không đủ điều kiện để kinh doanh vàng miếng. Chúng tôi chỉ còn được phép kinh doanh, mua, bán vàng trang sức”. Tuy nhiên, cũng theo bà Yến, quy định trên vẫn chưa ảnh hưởng nhiều, doanh nghiệp vẫn mua, bán trao đổi vàng miếng song song với vàng trang sức. Lượng khách mua, bán ổn định, chưa có xáo trộn gì, bởi các doanh nghiệp trên địa bàn đều chỉ kinh doanh vàng miếng không tổ chức sản xuất. Ngân hàng Nhà nước cũng đã dự kiến sẽ cho phép các doanh nghiệp có thêm 6 tháng để chuyển hướng kinh doanh... Khi được hỏi, việc không đủ điều kiện để tham gia kinh doanh, mua, bán vàng miếng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có bị xáo trộn không, bà Yến cho biết: Hoạt động kinh doanh vàng bạc của doanh nghiệp hiện vẫn ổn định. Tuy nhiên, khi không được phép kinh doanh vàng miếng, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị giảm.
Theo một số chủ kinh doanh vàng, bạc khác trên địa bàn TP Hải Dương, thị trường vàng không bị “sốc” sau thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ nắm giữ việc sản xuất, kinh doanh vàng miếng. Thông tin này đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ lâu. Tuy nhiên, riêng đối với các thương hiệu vàng miếng, thị trường có ghi nhận sự chênh lệch về giá cũng như tâm lý lo ngại của người dân đang nắm giữ các thương hiệu vàng khác SJC. Anh Nguyễn Trung Kiên, chủ cửa hàng vàng bạc Kiên Trung trên phố Lý Thường Kiệt cho biết: Sau khi Chính phủ chính thức ban hành các quy định về kinh doanh vàng, giá vàng miếng thuộc các thương hiệu như PNJ, AAA, SBJ... thường thấp hơn vàng miếng SJC từ 1,2 - 1,4 triệu đồng, lúc cao điểm lên tới 2 triệu đồng. Một số người dân hiện đang nắm giữ vàng miếng không phải của SJC cũng đang lo ngại và đã chọn cách bán ra để mua SJC. Anh Kiên cho biết thêm, nguyên nhân chính là do Ngân hàng Nhà nước chọn SJC làm thương hiệu chuẩn quốc gia để quản lý sản xuất, kinh doanh khiến giá vàng phi SJC luôn thấp hơn.
Theo bà Bùi Thị Bón, Trưởng phòng Tổng hợp Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thực tế Nghị đinh 24 đã được Ngân hàng Nhà nước dự thảo từ lâu, đồng thời cũng công bố rộng rãi để mọi người dân, doanh nghiệp biết, cho ý kiến. Vì vậy, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 24, thị trường vàng trên địa bàn tỉnh không chịu tác động mạnh. Nghị định sẽ chuyển hoạt động sản xuất vàng miếng thành hoạt động độc quyền Nhà nước và giao cho Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện. Các giấy phép sản xuất vàng miếng Ngân hàng Nhà nước đã cấp cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng trước đây sẽ hết hiệu lực từ ngày 25-5-2012. Nghị định nhằm bình ổn và lành mạnh hóa thị trường vàng trong nước, tránh đầu cơ, buôn bán trái phép, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân... Thời gian gần đây, một số người dân nắm giữ thương hiệu vàng miếng phi SJC có tâm lý lo ngại về sự an toàn. Bà Bón khẳng định, các loại vàng miếng, bao gồm cả vàng miếng SJC và vàng miếng khác bảo đảm các quy định của Ngân hàng Nhà nước đều được mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh. Do đó, người dân cần bình tĩnh, thận trọng trước các thông tin thiếu chính xác.
NGÂN HÀTheo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 3 - 3, có hiệu lực từ ngày 25 - 5 - 2012), điều kiện để doanh nghiệp được Nhà nước xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng: là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 3 điều kiện: có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng; có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
|