Công tác quản lý thị trường trái cây nhập khẩu đang bị buông lỏng khiến mặt hàng này bày bán tràn lan mà không được kiểm soát chất lượng...
Rất khó để phân biệt được trái cây trong nước và trái cây nhập ngoại
Hiện nay, người dân có thể dễ dàng mua trái cây ngoại ở bất cứ nơi đâu, nhất là tại TP Hải Dương. Vào các buổi sáng sớm, tại Trung tâm Thương mại TP Hải Dương có rất nhiều xe tải mang biển số các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội đến giao trái cây, nhiều nhất là các loại táo, lê, cam. Một chủ cửa hàng trên phố Trần Phú cho biết: “Buổi sáng nào chúng tôi cũng lấy hàng từ các xe tải. Quả được vận chuyển từ các tỉnh vùng núi phía Bắc xuống. Có một số quả như thanh long, sầu riêng, mít... thì lấy ở miền Nam”. Tuy nhiên, cả người bán và người mua vẫn chưa thực sự biết rõ nguồn gốc của các loại quả này. Chị Liên ở phố Mạc Thị Bưởi vừa chọn quả, vừa nói: “Quả này chắc là được nhập từ Trung Quốc. Qua báo, đài, chúng tôi cũng nhận thức được tác hại từ một số loại hoa quả nhập khẩu và cũng cố gắng chọn những quả nước mình có như: dưa hấu, xoài, bưởi... nhưng hàng nhập khẩu và hàng Việt Nam bị trà trộn, không có tem, mác nên rất dễ bị nhầm".
Tại một quầy bán trái cây ở khu vực cổng chợ Thanh Bình, thấy có khách, bà chủ hàng đon đả mời chào các loại hoa quả ngoại như: nho Mỹ, dưa vàng Mỹ, lê Trung Quốc... Qua quan sát, những loại quả này đều không có bất cứ tem mác nào để khẳng định nguồn gốc và chất lượng thực sự của chúng. Khi chúng tôi hỏi nơi cung cấp những loại quả này thì bà chủ hàng cũng ậm ừ cho qua chuyện.
Thị trường trái cây hiện nay không những lộn xộn mà giá cả cũng lung tung. Tuy cùng một loại quả, chất lượng giống nhau nhưng mỗi chợ lại bán một giá khác nhau. Ví dụ, nho loại trung bình bán ở chợ Thanh Bình và cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh có giá 110 nghìn đồng/kg, nhưng ở Trung tâm Thương mại TP Hải Dương 95 -100 nghìn đồng/kg.
Thời gian gần đây có nhiều thông tin về một số loại quả nước ngoài chứa độc tố khiến người dân lo lắng. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy mặt hàng này vẫn chưa có được sự quan tâm đúng mức từ phía các cơ quan chức năng. Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao quản lý chất lượng các loại mặt hàng nhập khẩu có nguồn gốc thực vật. Thế nhưng, theo Chi cục Kiểm tra chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay đơn vị vẫn chưa tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán hoa quả nhập khẩu, cũng chưa có mẫu thử nào đối với mặt hàng này do thiếu phương tiện, kinh phí. Hầu hết các cửa hàng buôn bán quả không đăng ký kinh doanh nên rất khó kiểm soát.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thế Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) cho biết: Do quả không nhập khẩu trực tiếp mà qua tay các thương lái từ Móng Cái, Lạng Sơn... rồi mới về đến các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ nên rất khó để truy nguồn gốc. Muốn biết được đâu là hoa quả nhập khẩu, người tiêu dùng buộc phải nhận dạng mẫu mã, hình dáng bên ngoài, nhưng với phương thức này rất khó để phân biệt.
Anh Nguyễn Ngọc Đăng, Trưởng quầy bán hàng hoa quả Siêu thị Big C Hải Dương cho biết, để khẳng định hoa quả được nhập khẩu chính ngạch, không phải hàng trôi nổi thì phải có ít nhất 3 loại giấy tờ thủ tục là tờ khai hải quan, giấy chứng nhận kiểm dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm và phiếu xuất kho. Trên mỗi một thùng hàng đều phải có dán tem thể hiện tên sản phẩm, trọng lượng, cách bảo quản, địa chỉ nhà cung cấp, số điện thoại liên hệ, địa chỉ kho hàng. Trên mỗi loại quả đều có dán tem cho biết tên sản phẩm, xuất xứ sản phẩm.
Để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, các cơ quan chuyên môn cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại quả nhập khẩu. Mặt khác, người tiêu dùng nên mua sản phẩm tại các cửa hàng có uy tín để tránh bị "tiền mất, tật mang".
HOÀNG MINH