Thị trường mùa Vu Lan

13/08/2011 09:47

Hằng năm, việc cúng lễ tổ tiên rằm tháng 7 đã trở thành nét đẹp văn hoá trong tín ngưỡng của người Việt nên hàng hóa phục vụ việc cúng lẽ cũng trở nên sôi động.


Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm chay cho ngày rằm tháng 7
tại một cửa hàng trên phố Mạc Thị Bưởi (TP Hải Dương)


Dân gian có câu “Cúng cả năm không bằng rằm tháng7”. Hằng năm, việc cúng lễ tổ tiên rằm tháng 7 (Vu Lan) đã trở thành nét đẹp văn hoá trong tín ngưỡng của người Việt. Thị trường hàng hóa phục vụ việc cúng lễ cũng trở nên sôi động.

Vàng mã phong phú

Dạo qua các tuyến phố chuyên bán vàng mã trên địa bàn TP Hải Dương như Xuân Đài, Tuy An, Tuy Hoà... những ngày này nườm nượp khách vào, ra. Chị Nguyễn Thị Hải chuyên bán vàng mã trên phố Xuân Đài cho biết: “Theo tín ngưỡng, người Việt coi ngày rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân, nghĩa là ngày các tội nhân dưới âm phủ đều được tha tội. Các gia đình đốt vàng mã để các vong hồn được thụ hưởng, siêu thoát. Vì thế, đây cũng là thời điểm lượng vàng mã được tiêu thụ nhiều nhất trong năm. Các sản phẩm vàng mã năm nay cũng phong phú và đa dạng không kém năm ngoái". Giá cả các mặt hàng vàng mã không biến động nhiều, chỉ tăng nhẹ so với năm trước. Hiện giá của một bộ vàng mã gồm: tiền vàng, sớ, quần áo, giày dép, mũ, nón... dao động từ 30-50 nghìn đồng/bộ. Biệt thự hoặc các vật dụng khó làm khác như: ô - tô, xe máy SH, điện thoại di động… có giá từ 200-300 nghìn đồng. Các sản phẩm quần áo vàng mã cũng "bắt kịp" thời trang của người trần với nhiều màu sắc, kiểu dáng giống hệt các loại quần áo đang bán trên thị trường, giá cao hơn các sản phẩm vàng mã thông thường mọi năm từ 2.000-5.000 đồng/sản phẩm.

Nghi thức cúng lễ ngày rằm tháng 7 thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của người Việt Nam. Tuy nhiên gần đây, việc lạm dụng đốt vàng mã đã gây lãng phí tiền của, là việc cần phê phán. Không ít các gia đình đốt vàng mã đã gây hoả hoạn, cháy nhà, thậm chí gây bất hoà giữa hàng xóm láng giềng chỉ vì tro vàng mã bay sang nhà nhau. Để tránh lãng phí, mọi người không nên phô trương đốt vàng mã, nhất là trong thời buổi lạm phát như hiện nay.

Thực phẩm chay hút khách

Nét mới của rằm tháng 7 năm nay là xu hướng ăn chay của nhiều gia đình. Tại các cửa hàng chuyên bán đồ chay ở chợ Phú Yên, chợ Kho Đỏ, siêu thị Intimex Hải Dương... lượng người đến mua các sản phẩm đồ chay đông gấp đôi so với những ngày này năm ngoái. Nắm bắt được tâm lý chuộng đồ chay nhân dịp rằm tháng 7, các chủ cửa hàng đã nhập về hàng chục món ăn chay phục vụ người tiêu dùng. Hiện nay, các món chay được nhiều người sử dụng là: cá sốt cà chua, lợn sữa quay, mực xào, giò đậu phụ, xúc xích thái lát, nem... So với các thực phẩm có tên gọi cùng loại được chế biến từ động vật, thực phẩm chay có ưu điểm giá rẻ hơn nhiều. Một gói xúc xích chay giá 9.000 đồng/gói, chỉ bằng 1/3 so với xúc xích làm từ thịt lợn, mực chay 15 nghìn đồng/gói, cá thu sốt tương cũng chỉ 18 nghìn đồng/gói… Giá các thực phẩm chay cũng tăng từ 5-20% so với năm ngoái. Tuy nhiên, sức tiêu thụ của người dân vẫn không giảm.  

Trong những ngày này, không chỉ vàng mã, thực phẩm chay đắt hàng, nhu cầu rau, củ quả, thịt gà, thịt lợn cũng có xu hướng tăng mạnh. Theo nhận định của các tiểu thương, giá cả hàng hoá ngày rằm tháng 7 có xu hướng tăng so với những ngày thường.

LAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường mùa Vu Lan