Thi THPT quốc gia cần cải tiến những gì?

30/09/2018 10:25

Bộ trưởng GDĐT còn thừa nhận việc giao kỳ thi cho các địa phương tổ chức khiến bệnh thành tích còn kéo dài khi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp gần như 100%...

Giải trình về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong cuộc họp sáng 24.9 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết vẫn sẽ duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng không phục vụ mục đích "2 trong 1" như trước. Vậy là kỳ thi THPT quốc gia đã trở về là kỳ thi tốt nghiệp THPT trước kia, chỉ khác mỗi tên gọi. Đây gián tiếp là một lời thừa nhận sự thất bại của kỳ thi này bởi mục đích thi THPT quốc gia là dùng 1 kết quả thi cho 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Khi bỏ mục đích tuyển sinh thì kỳ thi chẳng khác nào "bình mới, rượu cũ". Bộ trưởng GDĐT còn thừa nhận việc giao kỳ thi cho các địa phương tổ chức khiến bệnh thành tích còn kéo dài khi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp gần như 100%.

Năm nào cũng "cải tiến", "đổi mới" để rồi kỳ thi THPT quốc gia gần như trở về vạch xuất phát ban đầu là kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn việc tuyển sinh lại do các trường đại học tự quyết định. Mặc dù đã thừa nhận những hạn chế, thực chất là những thất bại lớn song Bộ GDĐT vẫn tiếp tục giữ một số hạn chế và đưa ra những "cải tiến", "đổi mới" không khả thi cho tương lai. Theo Bộ trưởng GDĐT, đề thi năm 2018 chưa thật sự phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia, có một số câu hỏi khó hơn đề thi các năm trước, đặc biệt khó so với yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nhưng bộ vẫn quyết định xác định việc tổ chức các bài thi được giữ ổn định như năm 2017. 

Từ năm 2021 trở đi, có thể thí điểm tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính. Việc thí điểm này chưa được thực hiện nhưng có thể nhìn thấy trước tương lai khó lòng triển khai trên diện rộng vì không phù hợp với điều kiện của rất nhiều địa phương còn khó khăn trong cả nước. Để có thể trang bị đủ máy tính phục vụ cho kỳ thi sẽ rất tốn kém. Kết quả của các bài thi sẽ phụ thuộc vào cả kỹ năng sử dụng máy tính của học sinh, mà kỹ năng này của học sinh ở đô thị chênh lệch với học sinh ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong khi thứ cần đánh giá là kiến thức của học sinh. 

Có thể thấy Bộ GDĐT vẫn tiếp tục loay hoay tìm cách thay đổi kỳ thi này theo kiểu chạy vòng quanh, chưa có giải pháp nào thực sự giải quyết được những hạn chế, khiến nó trở nên ưu việt hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng trước kia. Điều quan trọng nhất cần đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia hiện nay chính là quan điểm về vai trò, mục đích tổ chức thi của những người đứng đầu Bộ GDĐT, những người thiết kế nên kỳ thi. Khi đã xác định kỳ thi dùng để xét tốt nghiệp THPT thì phải thiết kế từ đề thi, nội dung thi, cách thức thi sát với chương trình học trong trường THPT sao cho kết quả của kỳ thi phải phản ánh được năng lực học tập, kiến thức của học sinh tiếp thu được trong trường. Kỳ thi cần được tổ chức ổn định lâu dài để đánh giá được tương quan chất lượng giáo dục qua các năm. Đồng thời, Bộ GDĐT cũng nên thẳng thắn nhìn nhận những thất bại, bình tĩnh nghiên cứu để xây dựng phương án thi khoa học, khả thi, sử dụng được lâu dài chứ không vội vàng "trám", "bịt" những hạn chế một cách vá víu, tạm thời như những năm qua.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi THPT quốc gia cần cải tiến những gì?