Giáo dục và đào tạo

Thí sinh không còn sử dụng Atlat để làm bài thi môn địa lý tốt nghiệp THPT năm 2025

THẾ ANH 06/11/2024 13:00

Theo đề thi minh họa môn địa lý thi tốt nghiệp THPT năm 2025, điểm mới đáng chú ý là thí sinh không còn sử dụng Atlat địa lý Việt Nam để làm bài thi như trước.

at-lat-dia-ly-viet-nam(1).jpg
Thí sinh sử dụng Atlat địa lý Việt Nam để làm bài thi môn địa lý tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hải Dương

Một số giáo viên dạy môn địa lý THPT ở Hải Dương cho biết trong các đợt tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin sẽ không còn sử dụng Atlat địa lý Việt Nam để làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo nhận định của những giáo viên này, việc không sử dụng Atlat có thể do cấu trúc đề thi thay đổi khi có thêm 2 dạng thức câu hỏi mới. Việc không sử dụng Atlat cũng nhằm đáp ứng mục tiêu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh.

Nếu có Atlat như trước đây, thí sinh có thể dễ dàng lấy điểm ở 12 câu hỏi có kiến thức ở mức độ nhận biết. Thay đổi này sẽ khiến học sinh gặp khó khăn hơn.

Ngoài 18 câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn đã được áp dụng nhiều năm qua, đề thi minh hoạ từ năm 2025 có thêm dạng thức câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc khoanh "bừa". Dạng thức câu hỏi này, thí sinh có thể kiếm điểm khó nhưng mất điểm cũng rất nhanh.

Dạng thức mới khác là câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn. Dạng này gần với câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả thí sinh phải tính toán và tự điền vào phiếu trả lời. Đây là dạng thức đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng chắc chắn và cũng hạn chế được việc khoanh "bừa".

Những giáo viên này nhận định theo cấu trúc đề thi mới, thí sinh sẽ khó đạt điểm 9-10 như những năm trước, trừ học sinh thực sự xuất sắc. Để đạt được điểm tối đa, học sinh phải giải quyết tốt các câu hỏi dạng đúng/sai.

Ngoài phương pháp giáo dục truyền thống, các giáo viên cũng đang tích cực đổi mới để thích ứng; tăng cường trao đổi chuyên môn; tích cực tìm nguồn học liệu phong phú… từng bước tìm ra những giải pháp phù hợp để trang bị kiến thức, kỹ năng làm bài thi tốt nhất cho học sinh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong đợt khảo sát đầu năm học 2024-2025, toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 7.800 em trong tổng số hơn 20.400 học sinh lớp 12 lựa chọn môn địa lý để thi tốt nghiệp THPT 2025. Đây là môn lựa chọn có số lượng thí sinh đăng ký đông thứ 3 sau vật lý và tiếng Anh.

THẾ ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thí sinh không còn sử dụng Atlat để làm bài thi môn địa lý tốt nghiệp THPT năm 2025