Kết quả ở đại học của những thí sinh đỗ bằng học bạ không thua kém so với bạn bè trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp nên nhiều trường vẫn tin tưởng phương thức này.
Đến giữa tháng 1/2024, khoảng 60 trường đại học thông báo xét tuyển bằng học bạ. Dù một số trường giảm chỉ tiêu, đặt thêm điều kiện xét tuyển cho phương thức này, nhìn chung số lượng trường xét học bạ tương tự mọi năm.
"Kết quả xét tuyển bằng học bạ vẫn có độ tin cậy nhất định", TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Qua so sánh điểm học tập của sinh viên trúng tuyển năm 2021, ông Nhân cho biết năng lực học tập của những em trúng tuyển bằng học bạ tương đương nhóm dùng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, trên thang điểm 4, từ 0 đến 2,3 điểm, số thí sinh của hai nhóm như nhau. Tới khoảng điểm 2,4-3,1, số sinh viên trúng tuyển xét bằng học bạ nhỉnh hơn. Nhưng tới khoảng 3,2-3,8, số lượng nghiêng về nhóm trúng tuyển bằng điểm thi.
Thống kê xếp loại tốt nghiệp từ năm 2019 tới 2023 của sinh viên Trường Đại học Công thương TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy kết quả của nhóm trúng tuyển bằng học bạ tương đương xét điểm thi tốt nghiệp. Ở mỗi mức xếp loại, chênh lệch giữa hai nhóm chỉ dao động 0,03-4,12 điểm %.
"Các con số cho thấy kết quả xét tuyển bằng học bạ THPT cũng tương đồng xét tuyển bằng điểm thi, không chênh lệch quá nhiều như xã hội vẫn nghĩ", ông Sơn nói.
Số liệu được hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh công bố cuối năm 2023 cũng tương tự. Ở Sư phạm Hà Nội, với khóa tuyển sinh năm 2022, sau một năm học, tỷ lệ sinh viên đạt loại giỏi của nhóm xét học bạ và nhóm sử dụng điểm thi tốt nghiệp cùng trong khoảng 17-20%, loại xuất sắc 3-7%.
Còn tại Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, thống kê hơn 10.000 sinh viên trúng tuyển trong ba năm gần nhất cho thấy nhóm vào trường bằng học bạ luôn có điểm trung bình học tập cao hơn 0,11-0,25 so với nhóm đỗ bằng điểm thi tốt nghiệp.
Các trường đại học cho rằng chất lượng sinh viên tuyển bằng học bạ được bảo đảm là nhờ việc xét tuyển dựa vào điểm trung bình 5-6 học kỳ THPT, thay vì chỉ dùng kết quả lớp 12.
Tại Đại học Nha Trang, 2017 là năm đầu tiên trường dùng học bạ để tuyển sinh. Điểm xét tuyển là tổng điểm ba môn lớp 12 theo tổ hợp, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dao động 18-24.
PGS.TS Tô Văn Phương, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Nha Trang, cho biết sau hai năm triển khai, tỷ lệ sinh viên có học lực yếu kém của hai khóa tuyển sinh này lên đến 20% (khoảng 1.000 em), cao hơn 10% những năm trước. Trong số sinh viên tự nghỉ hoặc bị buộc thôi học ở 1-2 học kỳ đầu do học kém, phần lớn vào trường nhờ xét tuyển học bạ.
"Có những sinh viên điểm xét tuyển bằng học bạ đạt 24-25 nhưng thi tốt nghiệp THPT chỉ 8-10 điểm, chênh lệch rất lớn", ông Phương nói. Do đó, trường dừng xét học bạ năm 2019, quay lại vào năm 2020 nhưng đổi cách xét tuyển. Thí sinh phải sử dụng điểm bốn môn (gồm Toán, Văn, tiếng Anh và một môn phù hợp với chuyên ngành) trong suốt sáu học kỳ THPT, kèm điều kiện riêng với điểm tiếng Anh hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT ở một số chuyên ngành đặc thù.
"Với sự điều chỉnh này, thí sinh được đánh giá toàn diện, kết quả ổn định hơn", ông Phương nói.
Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng sử dụng điểm trung bình 5 học kỳ của ba môn trong tổ hợp xét tuyển, đồng thời đặt điểm sàn "khá cao" - 21 điểm. TS Nguyễn Trung Nhân nói cách này đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh hơn là chỉ sử dụng điểm năm lớp 12, giúp các trường chọn được sinh viên có đủ năng lực học tập.
Tương tự, Đại học Sư phạm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng xét tuyển kết quả học bạ từ sáu học kỳ THPT. Các trường còn đặt thêm một số điều kiện như học lực lớp 12 đạt loại giỏi, có điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên.
Thạc sĩ Phan Lê Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, đánh giá kết quả tuyển sinh bằng học bạ vẫn khả quan. Do đó, trường tiếp tục dành tối đa 10% chỉ tiêu cho phương thức này năm nay. Hàng chục trường khác cũng duy trì tuyển sinh bằng cách này.
Chia sẻ tại một buổi tư vấn tuyển sinh trong tháng này, PGS.TS Lê Hiếu Giang, quyền hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cho rằng phương thức tuyển sinh đầu vào chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới kết quả học của sinh viên, bởi nhận thức, năng lực của các em còn thay đổi và phát triển trong quá trình học.
"Quá trình đào tạo tại phổ thông vậy là tốt, đáp ứng yêu cầu của trường đại học. Còn về lâu dài, quá trình đào tạo mới quan trọng, là yếu tố quyết định tới chất lượng người học", ông Giang nói.
Những năm gần đây, số thí sinh đỗ đại học nhờ xét tuyển học bạ chiếm hơn 36% tổng số. Ở nhiều trường, chỉ từ 5-6 điểm học bạ mỗi môn, thí sinh đã trúng tuyển.
Nhiều người lo ngại về chất lượng đầu vào khi xét tuyển theo phương thức này. Trong đó, cử tri tỉnh Thanh Hóa hồi đầu năm 2023 đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học, vì lo "chạy điểm", "làm đẹp" học bạ.
Trả lời, bộ cho biết các trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường phổ thông phải có trách nhiệm, biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của học sinh.
TB (theo VnExpress)