Giáo dục

Bỏ phương thức xét tuyển học bạ, trường Đại học Kinh tế Quốc dân lý giải

Theo VTC News 29/12/2023 19:24

Đại diện trường Đại học Kinh tế Quốc dân lên tiếng xung quanh việc bỏ phương thức xét học bạ trong đề án tuyển sinh hệ chính quy năm 2024.

Bỏ phương thức xét học bạ, trường Đại học Kinh tế Quốc dân lý giải.

Bỏ phương thức xét học bạ, trường Đại học Kinh tế Quốc dân lý giải

Theo phương án tuyển sinh hệ chính quy năm 2024, trường Đại học Kinh tế Quốc dân bỏ xét tuyển nhóm thí sinh trường chuyên, trọng điểm quốc gia dùng điểm trung bình chung học bạ 3 năm THPT + điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT.

Lý giải về điểm mới trên, đại diện trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, qua kết quả tuyển sinh các năm cho thấy nhóm thí sinh trường chuyên xét tuyển bằng học bạ có lực rất giỏi, gần như đều đáp ứng các điều kiện khác về điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ quốc tế… tỷ lệ trùng lặp giữa nhóm thí sinh này khá cao, dẫn đến tỷ lệ ảo tăng.

"Việc bỏ nhóm thí sinh này nhằm giảm tỷ lệ ảo khi lọc hồ sơ trúng tuyển, ít ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh chung và quyền lợi của thí sinh", vị đại diện nói.

Đồng thời, ở mùa tuyển sinh 2024, trường Đại học Kinh tế Quốc đân chủ trương tăng chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy uy tín như HAS, APT, TSA… Việc này nhằm mục đích giảm phụ thuộc vào kết quả học tập và kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Đặc biệt, trong mùa tuyển sinh 2024, trường sử dụng phương thức xét kết quả thi đánh giá tư duy (TSA) của Đại học Bách khoa Hà Nội cho tất cả các mã ngành tuyển sinh để tăng cơ hội tiếp cận, lựa chọn và dự tuyển cho thí sinh (năm 2023 chỉ sử dụng xét tuyển cho 7 mã).

Về băn khoăn trường có tiếp tục giảm hoặc bỏ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT ở năm 2025, đại diện trường cho hay, định hướng năm 2025 trường Đại học Kinh tế Quốc dân ổn định phương thức xét tuyển, "vẫn phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT".

Đại diện trường cũng nhắc đến điểm mới trong phương án xét tuyển đại năm 2024 về điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quy về thang 10 chứ không phải 15 như các năm trước.

Việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế về thang 10 là quy định chung, dù tính theo thang 15 thì vẫn phải quy về thang 10, nên sự thay đổi này tránh việc quy đổi 2 lần và làm tăng độ chính xác trong quy đổi (quy đổi nhiều thì dung sai lớn). "Việc quy đổi về thang 10 không ảnh hưởng gì đến thí sinh", vị đại diện khẳng định.

Năm 2024, trường Đại học Kinh tế quốc dân tuyển sinh 6.200 chỉ tiêu và 60 ngành/chương trình đào tạo.

Trường duy trì 3 phương thức tuyển: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng, xét tuyển theo đề án riêng. Trong đó, giảm tỷ lệ tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT xuống còn 18% (năm 2023 là 25%). Đồng thời, trường tăng tỷ lệ xét tuyển theo đề án riêng lên 80%. Còn lại 2% cho việc tuyển thẳng.

Trong đề án riêng này, trường chia thí sinh thành 4 nhóm. Nhóm đầu tiên, những học sinh có chứng chỉ quốc tế, SAT 1200/1600 hoặc ACT 26/36 trở lên đủ điều kiện xét tuyển.

Nhóm thứ hai, các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia. Thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh tối thiểu từ IELTS 5.5, TOEFL ITP 500, TOEFL iBT 46, TOEIC (Listening và Reading 785, Speaking 160, Writing 150). Yêu cầu về điểm đánh giá năng lực tương tự nhóm hai.

Nhóm thứ ba, thí sinh tham gia thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đạt 85 hoặc 700 điểm trở lên.

Nhóm thứ tư, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh kết hợp với điểm thi hai môn tốt nghiệp THPT (trong đó môn bắt buộc là Toán, cộng với điểm một môn thi bất kỳ ngoài ngoại ngữ). Ngoài điều kiện về chứng chỉ giống nhóm bốn, thí sinh phải đạt tối thiểu 20 điểm ở một trong các tổ hợp xét tuyển của trường.

Về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, các thí sinh phải đạt tối thiểu 20 điểm nếu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2024.

Theo VTC News
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỏ phương thức xét tuyển học bạ, trường Đại học Kinh tế Quốc dân lý giải