Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ.
Nghị định này quy định chi tiết, biện pháp thi hành một số điều của luật về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; số lượng Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phối hợp hoạt động của Ban Chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương; con dấu của Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban Chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương; nguồn kinh phí; đơn vị cấp xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh; điều kiện thành lập Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở; phân cấp quản lý Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, đơn vị dân quân tự vệ; chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ; hỗ trợ phương tiện, kinh phí đi lại cho dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ.
Đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam, cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Việt Nam. Cá nhân, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cư trú và hoạt động tại Việt Nam liên quan đến dân quân tự vệ. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên có quy định khác với nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ và quyết định công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở hoặc Chỉ huy trưởng đơn vị tự vệ cơ quan, tổ chức nơi không có Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở.
Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của dân quân tự vệ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20-2-2016, thay thế Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 1-6-2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ.