Doanh nghiệp trong nước căng mình chịu trận khó khăn để duy trì sản xuất, giữ chân người lao động, trong khi đà nhập khẩu thép Trung Quốc tăng mạnh trong hai tháng đầu năm 2024 với giá trị hàng tỉ USD.
Theo phản ánh nhiều doanh nghiệp thép tại Việt Nam, xu hướng nhập khẩu thép đang tăng trở lại trong hai tháng đầu năm 2024, đặc biệt là thép từ Trung Quốc đang đe dọa sản xuất trong nước.
Trước sức ép từ thép nhập khẩu, doanh nghiệp lo ngại hoặc chần chừ trong việc mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam, thậm chí đã có thương hiệu lớn trong ngành chuyển hướng sang lĩnh vực khác.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm lượng sắt thép nhập khẩu đã lên tới 2,6 triệu tấn, gấp gần 2 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc là 1,8 triệu tấn, gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá.
Riêng sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), Việt Nam đã nhập 1,8 triệu tấn với trị giá trên 1 tỉ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 72% tổng sản lượng, tương ứng 1,4 triệu tấn.
Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 13,8 triệu tấn thép các loại, tăng 3,2% so với năm 2022 và 11% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu thép là 10,4 tỉ USD. Sản phẩm thép được nhập khẩu nhiều nhất là thép HRC với 10 triệu tấn, tăng 2,84% so với năm 2022 (gồm thép cán nóng dạng cuộn và dạng tấm), chiếm 73% tổng lượng thép nhập về Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, giá bán thép của Trung Quốc và các quốc gia khác cung cấp cho Việt Nam đã giảm rõ rệt.
Thép cuộn cán nóng của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1-2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý 4-2023. Điều này gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu bán phá giá, ảnh hưởng sản xuất trong nước.
Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, ông Trần Thành Nam, Phó Tổng Giám đốc Tôn Hoa Sen cũng dự báo giá thép HRC tiếp tục diễn biến khó lường.
Nhu cầu tiêu thụ thép vẫn chưa khôi phục. Trong đó, biến động giá thép HRC vừa qua đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của tập đoàn trong niên độ 2022 - 2023.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước hiện đạt khoảng 23 triệu tấn thép thô (phôi vuông, phôi dẹt). Năng lực sản xuất thép thành phẩm đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu sử dụng trong nước.
Những lo ngại trước đà nhập khẩu thép là có cơ sở khi Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp quy mô trong ngành thép như Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Tôn Đông Á... sản xuất đa dạng sản phẩm từ thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong khi đó, chi phí đầu vào vẫn duy trì ở mức cao và có sự biến động liên quan đến việc tăng lãi suất vốn vay, thay đổi tỉ giá khiến hàng loạt doanh nghiệp lỗ nặng, hoặc chuyển hướng đầu tư sang ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, bất động sản, giáo dục, tài chính...
Tiêu thụ và xuất khẩu của các doanh nghiệp thép trong nước sụt giảm, trong khi lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam vẫn ở mức cao, hưởng thuế 0% và không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào, theo các doanh nghiệp là nghịch lý.
H.A (theo Tuổi trẻ)