Mưa tiếp tục tàn phá nhiều khu vực của Trung Quốc, gây lũ lụt và lở đất khiến cuộc sống của khoảng 40 triệu người bị ảnh hưởng.
Vô số làng mạc, thành phố và cánh đồng bị nước nhấn chìm, thiệt hại kinh tế đến nay vào khoảng 12 tỷ USD.
Hàng nghìn binh sĩ, cảnh sát, lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ cùng người tình nguyện đã làm việc hết sức trong những ngày qua để sơ tán người dân, cung cấp cho họ chỗ trú và đồ dùng thiết yếu.
Ảnh: CGTN |
Theo CGTN, kể từ tháng 6, đã có hơn 140 người thiệt mạng hoặc mất tích vì mưa lũ. Bộ Thủy lợi Trung Quốc thông báo nước tại 433 sông ở mức nguy hiểm kể từ tháng 6, bao gồm 33 sông dâng cao kỷ lục.
Hàng triệu người phải di dời ở 27 vùng cấp tỉnh ở Trung Quốc. Các tỉnh Giang Tây, An Huy và Hồ Bắc thuộc diện bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ảnh: Xinhua |
Trong khi đó, theo đài CCTV, trước tình trạng sông Chuhe ngập ứ, các nhà chức trách ở tỉnh An Huy buộc phải dùng thuốc nổ phá một con đập để xả lũ vào sáng 19.7. Nước sông Chuhe sau đó được cho là giảm 70 cm.
Không chỉ Chuhe, nước ở hàng chục sông hồ thuộc miền Nam và miền Trung Trung Quốc, gồm cả sông Dương Tử, đều đang ở mức báo động do mưa to không ngớt hơn một tháng qua.
Ảnh: China Daily |
Ở miền Đông, nước sông Hoài Hà dâng cao khiến các nhà chức trách phải nâng cảnh báo phản ứng lũ lụt. Dòng sông này dài thứ 4 ở Trung Quốc, chảy qua một loạt tỉnh Hà Nam, An Huy, Giang Tô và đổ ra sông Trường Giang.
Tại thượng nguồn Trường Giang, 11 người đã phải bỏ mạng tại Trùng Khánh hôm 18.7 và 3 người tử vong ở tỉnh Hồ Bắc bên cạnh. Hơn 20.000 cư dân phải sơ tán và hơn 1.000 ngôi nhà bị phá hủy.
Đập Tam Điệp mở 3 cửa xả lũ ngày 18.7. Ảnh: Xinhua |
Cùng ngày, nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp dâng cao hơn 15 m so với mức cảnh báo lũ, khiến đập thủy điện lớn nhất thế giới này phải mở 3 cửa xả lũ.
Trung Quốc từng chịu trận lũ lụt kỷ lục năm 1998 với hơn 2.000 thiệt mạng và khoảng 3 triệu ngôi nhà bị phá hủy. Khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc cũng từng phải phá đê kè như một biện pháp xả lũ.
Theo Vietnamnet