Đại học Adelaide dự kiến xét tuyển thẳng học sinh Việt với điểm học bạ THPT từ 8 và chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên từ năm 2026.
Thông tin được nêu trong hội nghị hợp nhất Đại học Adelaide và Nam Australia thành Đại học Adelaide (AU) cuối tuần trước. Đại diện truyền thông của AU cho biết thêm với chứng chỉ IELTS, thí sinh cần bảo đảm không có kỹ năng nào dưới 6.
Các ngành mà trường dự kiến xét tuyển thẳng thuộc nhóm kinh doanh, khoa học và kỹ thuật. Học sinh cần nộp hồ sơ trước khi nhập học 6-12 tháng, qua website của trường hoặc các đại lý tuyển sinh liên kết.
Ngoài ra, đại học này sẽ tự động xét các suất học bổng 10-25% học phí toàn khóa (3-4 năm), dựa vào chất lượng hồ sơ ứng viên. Học phí của Đại học Adelaide trước khi sáp nhập khoảng 21.000-31.000 AUD (350-510 triệu đồng) một năm.
Hiện khoảng 1.000 sinh viên Việt đang học tập ở Adelaide, chủ yếu theo học công nghệ, kỹ thuật, sức khỏe và kinh doanh.
Giáo sư Jessica Gallagher, Phó Hiệu trưởng Đại học Adelaide, đánh giá du học sinh Việt tại trường chú trọng học tập, có khả năng thích nghi và thành tích tốt. Do đó, Việt Nam là thị trường tuyển sinh được ưu tiên của AU.
Trong bối cảnh Australia hạn chế tuyển sinh viên quốc tế, bà dự đoán học sinh Việt nộp đơn vào AU có thể có lợi. Lý do là từ năm sau, hai Đại học Adelaide và Nam Australia đều được tăng 14-20% chỉ tiêu tuyển du học sinh so với năm 2023, lên mức 3.800 và 3.050, theo dự kiến của Bộ Giáo dục nước này hồi tuần trước.
"Đây là cơ hội khả quan cho học sinh Việt muốn học trường top", bà nói. Hiện, Đại học Adelaide đứng thứ 82 trong bảng xếp hạng đại học thế giới QS 2025.
Sau khi hợp nhất, AU là thành viên nhóm G8, nhóm liên minh nghiên cứu chuyên sâu gồm 8 đại học hàng đầu Australia, cung cấp hơn 200 chương trình đào tạo.
Australia là một trong những điểm đến du học được ưa chuộng nhất thế giới, cùng với Mỹ và Canada. Tính đến tháng 4, số sinh viên quốc tế ở đây là hơn 780.000, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam có hơn 37.100 du học sinh, xếp thứ 5.
Nhiều đại học nước này gần đây mở rộng xét tuyển thẳng học sinh từ các trường chuyên, trường trọng điểm của Việt Nam, hầu hết thuộc nhóm G8 như Đại học Sydney, Đại học New South Wales, Đại học Quốc gia Australia... Trong khi, trước kia, học sinh phổ thông ở Việt Nam thường phải trải qua một số kỳ thi chuẩn hóa hoặc học dự bị đại học mới được chấp nhận vào học.
TB (theo VnExpress)