22 học sinh ở huyện Hà Trung buồn nôn, đau đầu, chóng mặt sau tiêm vaccine Covid-19, được đưa vào viện cấp cứu theo dõi; trong khi đó 86 em ở huyện Hoằng Hóa đã xuất viện.
Học sinh ở Thanh Hoá được tiêm vaccine Pfizer hôm 1.12
Sáng 2.12, ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung, cho biết ngày 1.12 ngành y tế huyện tổ chức tiêm vaccine Pfizer mũi một ngừa Covid-19 cho khoảng 1.500 học sinh Trường THPT Hà Trung.
Sau tiêm, 22 học sinh, đa số là nữ, xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, được chuyển ngay đến Bệnh viện Đa khoa Hà Trung để theo dõi, điều trị. Sau đó, hai học sinh (một nam, một nữ) có triệu chứng co giật nên được chuyển gấp đến bệnh viện đa khoa tỉnh trong đêm.
Theo ông Chính, đến sáng nay, sức khỏe đa số học sinh đã ổn định, tâm lý tốt song vẫn cần phải theo dõi chặt chẽ, đồng thời thực hiện các xét nghiệm liên quan đến men gan, cơ tim trước khi các em đủ điều kiện xuất viện.
Ông Chính cho rằng phản ứng sau tiêm là bình thường, song đối với lứa tuổi học sinh thường dễ xảy ra hơn người lớn. "Những em bị phản ứng hoặc ngất xỉu cần sớm được tách ra để tránh phản ứng dây chuyền", ông Chính nói.
Hôm nay, huyện Hà Trung tiếp tục tiêm vaccine mũi một cho khoảng 1.700 học sinh của hai trường THPT Hoàng Lệ Kha và Trung tâm Giáo dục thường xuyên, dạy nghề huyện Hà Trung. Các điểm tiêm đã sẵn sàng xe cứu thương, các kíp trực khoảng 20 y bác sĩ phòng tình huống khẩn cấp.
Liên quan đến 86 học sinh ở huyện Hoằng Hóa nhập viện ngày 1.12 sau tiêm, ông Phạm Công Hoa (Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoằng Hóa) cho biết, đến 9 giờ hôm nay, sức khỏe các em đã ổn định, không có ca nặng, nên hầu hết được xuất viện. Những trẻ này chủ yếu là học sinh trường THPT Hoằng Hóa 3 và THPT Hoằng Hóa, sau tiêm có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, khó thở... dạng nhẹ.
Cô Nguyễn Thị Hằng, Hiệu phó trường THPT Hoằng Hóa cho hay 31 học sinh trường nhập viện, trong số 827 học sinh ở ba khối lớp 10-12 được tiêm vaccine Pfizer mũi một hôm qua. "Hiện đa số các em đã xuất viện vì sức khỏe ổn định, chỉ còn một vài em do gia đình chưa yên tâm nên cần theo dõi thêm ở Bệnh viện Đa khoa Hải Tiến", cô Hằng nói.
Theo ông Hoa, khả năng 86 học sinh có triệu chứng này là do "phản ứng dây chuyền, dạng hysteria". "Sau tiêm một vài cháu bị đau đầu chóng mặt là phản ứng bình thường. Nhưng khi các em khác trông thấy vì quá sợ hãi mà ngất xỉu, phải nhập viện", ông Hoa nói.
Ông cũng cho biết lô vaccine Pfizer tiêm cho các học sinh này do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) phân bổ, được gia hạn sử dụng đến ngày 28.2.2022 theo phê duyệt của Bộ Y tế và xác nhận từ nhà sản xuất. Hiện lô vaccine này đã được ngừng tiêm, thay bằng lô vaccine khác, theo ông Hoa. Huyện Hoằng Hóa nhận 6.690 liều vaccine Pfizer tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Ngày 1.12, khi tiêm được 5.200 mũi thì xảy ra sự cố.
Hiện nguyên nhân chính thức về sự cố này chưa được hội đồng chuyên môn tỉnh Thanh Hóa công bố.
Thanh Hóa triển khai kế hoạch tiêm 117.000 liều vaccine Pfizer phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi tại tất cả huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Nhóm tuổi tiêm chủng chủ yếu là học sinh tại các trường THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Các địa phương đều bố trí điểm tiêm lưu động tại các trường, riêng học sinh có bệnh lý nền tiêm tại cơ sở y tế. Hôm qua là ngày đầu tiên Thanh Hóa triển khai tiêm.
Tuần trước, Thanh Hóa đã xảy ra sự cố tai biến sau tiêm vaccine Vero Cell cho người lớn. Hơn 70 công nhân nữ Công ty Giày Kim Việt ở huyện Nông Cống bị "phản ứng quá mức" sau tiêm phải nhập viện cấp cứu, 4 người sau đó tử vong. Nguyên nhân sự cố đang được điều tra.
Trong một tuần qua, 4 học sinh ở Bắc Giang phản vệ sau tiêm vaccine Pfizer, trong đó 2 trường hợp nặng (một em tử vong); một học sinh ở Hà Nội và một bé trai 12 tuổi ở Bình Phước mất sau một ngày tiêm vaccine. Các trường hợp này được hội đồng chuyên môn đánh giá là phản vệ độ 4 (cơ thể phản ứng quá mức với vaccine).
Đến nay, 34 tỉnh thành đã tiêm vaccine Pfizer cho hơn 3,5 triệu trẻ 12-17 tuổi. Tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm là 0,3%, với các triệu chứng sưng đau vết tiêm, đau tay, mỏi cơ, sốt.
Theo VNE