Góc nhìn

Thẻ ngân hàng "rác", ai "quét"?

SONG TƯỜNG 12/11/2023 07:30

Mở tài khoản ngân hàng chỉ vì cả nể, vì quen biết nên có người có tới cả chục tài khoản, thẻ ngân hàng nhưng thường chỉ sử dụng 1-2 cái, thậm chí không sử dụng cái nào.

z4860870711282_8dacccfee476ebc32a07129df715ccc5-e0d1dee10810171eb23dca9b38afef0e-1-(1).jpg
Tài khoản ngân hàng "rác", thẻ ngân hàng rác sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường (ảnh minh họa)

Tình trạng thẻ ngân hàng "rác" đi kèm những hệ lụy khó lường.

“Tôi có tài khoản ở 2 ngân hàng rồi, nhưng cô hàng xóm lại mời mở thêm tài khoản ở ngân hàng cô ấy làm để giúp cô ấy chạy chỉ tiêu, nể nên tôi gật. Rồi con trai tôi khi thực tập ở một ngân hàng lại bảo tôi mở thêm tài khoản nữa. Hiện giờ tôi có đến 5 tài khoản ở các ngân hàng khác nhau”, một đồng nghiệp của tôi kể. Tình trạng tài khoản ngân hàng “rác”, thẻ ngân hàng “rác” đang phổ biến không kém gì SIM "rác", cuộc gọi "rác".

Một bài viết được đăng trên báo Thanh Niên hồi tháng 6/2023 đã trích dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước rằng toàn hệ thống ngân hàng trên cả nước có tới 51 triệu tài khoản cần đối chiếu làm sạch dữ liệu. Nếu mỗi tài khoản này người dùng được cấp một thẻ ngân hàng, tức là có tới 51 triệu thẻ có thể là "ảo" (ít hoặc không được dùng tới), chiếm gần 40% trong tổng số hơn 140 triệu thẻ cả nội địa, cả quốc tế đang lưu hành. Tại Hải Dương đang có gần 5 triệu tài khoản, gần 4 triệu thẻ tại các ngân hàng, liệu có bao nhiêu là tài khoản "ảo", bao nhiêu thẻ “rác”?

Đã xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng SIM "rác", cuộc gọi "rác" để giả mạo nhà mạng lừa đảo. Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng đã trải qua đợt xác minh SIM điện thoại chính chủ rầm rộ ít tháng trước nhằm ngăn chặn hành vi lừa đảo, ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn "rác". Nhưng kết quả chưa như mong đợi.

SIM "rác" là vậy, tài khoản ngân hàng "rác", thẻ ngân hàng "rác" thì sao? Khi nào thì các ngân hàng “quét rác”? "Quét" thế nào khi một phần lớn trong số tài khoản "rác", thẻ "rác" này là hệ quả của việc chạy đua phát triển mạng lưới, phát triển "nóng" tập khách hàng của các ngân hàng từ nhiều năm nay. Rất nhiều người có cả chục tài khoản ngân hàng nhưng chỉ thường xuyên dùng 1-2 tài khoản.

Với ngân hàng, có thể nói việc chạy đua mở thẻ cũng được xem là một kênh huy động vốn lãi suất không kỳ hạn khi quy định số dư tối thiểu trong mỗi tài khoản. Số dư trong từng tài khoản thường không lớn, nhưng tính chung hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu tài khoản cộng lại thì không hề nhỏ.

Nhưng khách hàng có thể sẽ gặp phiền toái nếu cứ “tặc lưỡi” mở tài khoản mà không sử dụng. Mỗi tài khoản đều có mức thu phí thường niên hoặc phí đăng ký dịch vụ khác nhau, đến thời điểm thu phí mà tài khoản không còn tiền để trừ, hệ thống của ngân hàng sẽ ghi chú như một khoản nợ. Trừ trường hợp khách hàng không bao giờ dùng đến tài khoản đó nữa, chứ khi có việc cần đưa tiền vào tài khoản ấy, hoặc mở một tài khoản khác ở cùng ngân hàng thì có thể sẽ bị hệ thống trừ bù số tiền còn thiếu.

Tài khoản ngân hàng "rác" còn phát sinh một hệ lụy nguy hiểm khác, đó là tạo công cụ để kẻ gian lợi dụng nhằm lừa đảo. Từng có nhiều nhóm nhiều đối tượng đã bị bắt vì có hành vi mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác. Những người bán lại tài khoản ngân hàng của chính mình phần lớn là học sinh, sinh viên, người lao động thu nhập thấp. Họ nghĩ đơn giản rằng không sử dụng tài khoản ngân hàng nên sau khi bán sẽ không còn liên quan hay có bất kỳ rắc rối nào đến tài khoản ngân hàng đó nữa. Suy nghĩ đó thật sai lầm! Tài khoản do ai mở thì chắc chắn sẽ liên quan tới người đó, kể cả trường hợp tài khoản đó bị lừa để sử dụng cho mục đích xấu thì chủ tài khoản cũng bị liên quan nhất định. Mà lừa đảo tài chính, nhất là thông qua thẻ ngân hàng không chính chủ thời buổi này thì nhiều lắm.

Dự kiến, từ ngày 1/4/2024, các ngân hàng sẽ áp dụng việc xác thực khuôn mặt chủ tài khoản qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giao dịch. Khuôn mặt khi thực hiện giao dịch và khuôn mặt lưu trong con chip của căn cước công dân gắn chip phải là một. Đây được xem là giải pháp ngăn chặn tình trạng lừa đảo, gian lận liên quan đến tài khoản ngân hàng, vấn nạn đã nhức nhối suốt một thời gian dài. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần nghiên cứu giải pháp mới về phát triển khách hàng, tránh tình trạng tài khoản "ảo", thẻ "rác".

Về phía khách hàng, không dùng tài khoản nào thì nên đóng tài khoản đó, tránh phiền phức về sau.

SONG TƯỜNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thẻ ngân hàng "rác", ai "quét"?