Thuế kỹ thuật số gây căng thẳng quan hệ Pháp-Mỹ

31/07/2019 10:29

Căng thẳng giữa Mỹ và Pháp leo thang sau khi Tổng thống Pháp Macron ký thành đạo luật đánh thuế kỹ thuật số nhằm vào các công ty công nghệ Amazon, Facebook và Google… của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: EPA

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ đáp trả dự luật thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp bằng một sắc lệnh thuế nhằm vào rượu vang do Pháp sản xuất.

"Cuộc chiến” thuế quan mới

Những căng thẳng giữa Mỹ và Pháp gần đây xuất phát từ việc ngày 11.7.2019, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ lớn, qua đó đưa Pháp trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên áp dụng loại thuế này. Sau đó, dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký thông qua thành luật.

Luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp, mang tên GAFA (viết tắt các chữ cái đầu của các công ty công nghệ lớn là Google, Apple, Facebook và Amazon). Kế hoạch đánh thuế này được Bộ Tài chính Pháp công bố từ hồi tháng 3.2019.

Luật này ra đời nhằm lấp lỗ hổng thuế quan mà một số công ty lớn trên thế giới hầu như không chi trả cho những nước mà họ thu được lợi nhuận lớn. Theo đó, Pháp sẽ đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số ở mức 3% tổng doanh thu hằng năm của các công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật số có doanh thu ít nhất là 750 triệu euro (hơn 834 triệu USD) mỗi năm và có hơn 25 triệu euro (27,8 triệu USD) doanh thu ở Pháp.

Theo Bộ Trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, việc cần thiết phải đánh thuế đối với các công ty “khổng lồ” công nghệ là nhằm tạo công bằng cho các hoạt động kỹ thuật số trên thế giới.

Việc đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số này cũng được chính quyền Pháp kỳ vọng sẽ có thể giúp bổ sung nguồn thu ngân sách của Pháp thêm 500 triệu euro (563 triệu USD)/năm, tuy nhiên cũng được xem là sẽ tác động đến khoảng 30 doanh nghiệp, trong đó có các công ty của Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha... và đặc biệt là tác động mạnh đến các "ông lớn" công nghệ của Mỹ như Google, Apple, Facebook và Amazon, vì vậy đã châm ngòi những căng thẳng giữa Pháp với Mỹ.

Mỹ cảnh báo trả đũa

Động thái của Pháp đã "chọc giận" Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngày 26.7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ “trả đũa” Paris sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký thành Luật đạo luật đánh thuế kỹ thuật số nhằm vào các công ty công nghệ lớn như Amazon, Facebook và Google… Tổng thống Trump cho rằng, chỉ có Mỹ mới có quyền đánh thuế các công ty của mình, vì vậy ông cho biết Mỹ sẽ sớm công bố các biện pháp đáp trả, có thể sẽ là một sắc lệnh thuế nhằm vào rượu vang do Pháp sản xuất, hoặc cũng có thể là các mặt hàng khác. Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh lớn nhất của Pháp. Năm 2018, số lượng rượu vang Pháp xuất khẩu sang Mỹ chiếm 1/4 tỉ trọng lượng rượu vang xuất khẩu của Pháp, tương đương 3,2 tỷ euro (3,6 tỷ USD). Nếu Mỹ đánh thuế vào rượu vang Pháp, mặt hàng này chắc chắn sẽ đứng trước những thiệt hại khó lường.

Trước đó, trong một tuyên bố ngày 26.7, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Judd Deere cho biết, Mỹ vô cùng thất vọng trước quyết định áp thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp, khiến các công ty và công nhân của Mỹ phải trả giá, đồng thời cảnh báo chính quyền Tổng thống Trump sẽ không “khoanh tay đứng nhìn” sự phân biệt đối xử đối với các công ty Mỹ. Ông Deere cũng cho biết, hiện chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét các lựa chọn chính sách để đáp lại quyết định trên của Pháp.|

Vì vậy, phản ứng trước chính sách áp thuế đối với các công ty công nghệ của Mỹ, từ ngày 10.7.2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị mở một cuộc điều tra về kế hoạch của Pháp đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số nhằm vào các công ty công nghệ.  Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tiến hành cuộc điều tra theo Đạo luật 301 của Luật Thương mại 1974 trong vòng 1 năm nhằm làm rõ kế hoạch thuế của Pháp có gây tổn hại đến các công ty công nghệ của nước này hay không, cũng như xác định có bất cứ hoạt động thương mại không công bằng nào hay không. Những cuộc điều tra này là tiền đề để Mỹ căn cứ vào đó, áp đặt các biện pháp thuế trả đáp trả hoặc hạn chế thương mại đối với các đối tác.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã bày tỏ quan ngại của Washington đối với dự luật GAFA. Tuy nhiên, Ông Lighthizer vẫn khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các nước trong Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) để đạt được một thỏa thuận đa phương giải quyết những thách thức đối với hệ thống thuế quốc tế phát sinh do kinh tế toàn cầu kỹ thuật số đang trên đà tăng trưởng nhanh.

Tuy nhiên, bác bỏ những đe dọa từ Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng "những lời đe dọa" không phải là cách giải quyết bất đồng. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire  cho biết Pháp sẽ không "chùn bước" trong việc thực hiện kế hoạch áp thuế 3% với doanh thu mà các hãng công nghệ lớn có được từ các hoạt động trên đất Pháp và luật sẽ được thực thi từ năm 2019.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire còn bày tỏ hy vọng lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ đạt được nhất trí về nguyên tắc đánh thuế các hoạt động kỹ thuật số trên toàn cầu tại cuộc họp thượng đỉnh của G7 vào tháng 8 tới tại Biarritz, phía Tây nước Pháp.

Nguy cơ căng thẳng lan rộng

Việc Quốc hội Pháp thông qua dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số đã đưa Pháp trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên thông qua luật đánh thuế các hãng công nghệ lớn. Tuy nhiên, không chỉ có Pháp, hiện nay các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) khác như Áo, Anh, Tây Ban Nha và Italy cũng đã công bố các kế hoạch đánh thuế kỹ thuật số của mình. Vì vậy nhiều nhà phân tích lo ngại, khả năng “cuộc chiến” thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ không chỉ bó gọn trong phạm vi song phương giữa Pháp và Mỹ mà tới đây sẽ có thêm nhiều quốc gia châu Âu đưa ra các quy định về thuế tương tự như Pháp.

Vào năm ngoái, Pháp đã nỗ lực hết sức để thuyết phục EU áp dụng loại thuế dịch vụ kỹ thuật số với các công ty công nghệ lớn song vấp phải sự chia rẽ trong liên minh EU. Trong khi Áo đứng về phía Pháp ủng hộ dự luật, các nước Trung và Đông Âu hé mở ý định tham gia, Luxembourg và Hà Lan cũng ngừng phản đối dự luật GAFA về mặt nguyên tắc, thì Ireland phản đối và các nước Bắc Âu như Đan Mạch và Thụy Điển còn lưỡng lự. Đặc biệt, dự luật này phải có sự ủng hộ hoàn toàn của Đức, nhưng nước này vẫn do dự vì lo ngại Mỹ trả đũa đối với ngành công nghiệp xe hơi.

Vì vậy, Pháp đã nỗ lực và trở thành nước đầu tiên áp dụng loại thuế dịch vụ công nghệ này. Và đến nay đã có một số nước đang cân nhắc theo chân Pháp như Anh, Tây Ban Nha, Áo và Italy.

Italy đã thông qua một dự luật tương tự nhưng chưa có chỉ thị hướng dẫn thi hành. Anh cũng đang lên kế hoạch áp thuế dịch vụ kỹ thuật số tương tự 2% đối với doanh thu của các công cụ tìm kiếm, nền tảng truyền thông xã hội và thị trường trực tuyến phục vụ khách hàng. Áo thậm chí đề xuất mức thuế mạnh tay hơn Pháp, lên tới 5%.

Tuy nhiên, những động thái trên cũng báo hiệu một thời kỳ căng thẳng thương mại mới trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, nhất là khi những xung đột thương mại giữa Mỹ với EU vốn đã gia tăng trong thời gian qua.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ tạo ra một cuộc chơi bình đẳng giữa các “đại gia” internet xuyên biên giới với các doanh nghiệp châu Âu. Song những cuộc điều tra của Mỹ cũng có thể dẫn đến việc đánh thuế trừng phạt hoặc hạn chế hàng hóa của Pháp và kéo theo nhiều phản ứng tiêu cực khác. Theo các nhà phân tích, Pháp là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nên việc chính quyền Tổng thống Donald Trump trả đũa Pháp chắc chắn cũng sẽ khiến toàn bộ các nước thành viên EU rơi vào một cuộc tranh chấp thương mại mới.

Vì Mỹ và EU đều là những nền kinh tế có ảnh hưởng lớn nên cuộc xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn chắc chắn sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến thương mại và đầu tư toàn cầu./.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thuế kỹ thuật số gây căng thẳng quan hệ Pháp-Mỹ