Chưa chính thức vào Nhà Trắng nhưng các ý định của ông Trump khiến một bộ trưởng Canada từ chức, thị trường tiền số nhào lượn và Fed thận trọng hơn.
Tuần này, thế giới bắt đầu đối mặt với những tác động kinh tế cụ thể từ chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, theo Reuters.
Tại Canada, Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland bất ngờ từ chức hôm 16/12 sau khi xảy ra bất đồng với Thủ tướng Justin Trudeau trong cách ứng phó khi ông Trump đe dọa áp đặt 25% thuế lên hàng hóa nhập khẩu.
Bà rời ghế chỉ vài giờ trước khi dự kiến trình bày cập nhật kinh tế mùa thu trước Quốc hội. Bản tài liệu cho thấy thâm hụt ngân sách năm tài chính 2023-2024 của chính phủ lên đến 61,9 tỷ đô la Canada, cao hơn nhiều so với dự báo.
Theo Bộ trưởng Tài chính Canada, các mức thuế mới từ Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng. Trước khi từ chức, bà Freeland đã viết trong thư gửi ông Trudeau rằng Canada cần tránh "các chiêu trò chính trị tốn kém" và tập trung vào việc bảo vệ nền kinh tế trước các nguy cơ tiềm tàng từ chính sách thuế của ông Trump.
Trên thị trường tiền số, Bitcoin (BTC) có 3 ngày đi trên mốc 105.000 USD, có thời điểm lập kỷ lục hơn 108.268 USD một đơn vị khi chính quyền ông Trump dự kiến lập một kho dự trữ Bitcoin chiến lược.
BTC sau đó rơi gần về 104.000 USD khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố cơ quan này không có thẩm quyền pháp lý để nắm giữ Bitcoin và không có kế hoạch thay đổi luật để làm điều này. Phát biểu trên góp phần khiến giá Bitcoin giảm 5%, mức giảm lớn nhất trong hơn ba tháng qua.
Hôm 18/12, Fed cắt giảm lãi suất lần thứ 3 liên tiếp trong năm, mức 25 điểm cơ bản (0,25%). Động thái diễn ra trong bối cảnh các cuộc họp cuối năm bận rộn của nhiều ngân hàng trung ương lớn, từ Ottawa và Frankfurt đến Tokyo và London. Diễn biến cho thấy họ đang bắt đầu đối phó với bất ổn gia tăng khi nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp bước vào thời kỳ lãnh đạo của ông Trump.
Tại Mỹ, rủi ro lạm phát 2025 có thể mạnh hơn dự đoán khiến Fed đang giảm kỳ vọng về khả năng có thể giảm sâu lãi suất. Chủ tịch Fed Jerome Powell tiết lộ các lãnh đạo cơ quan này đã bắt đầu đánh giá tác động các kế hoạch của ông Trump, như tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế doanh nghiệp và thắt chặt nhập cư, đối với chính sách tiền tệ trong những tháng tới.
Kết quả, họ dự đoán tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm tới, nhưng đồng thời ước tính lạm phát tăng đáng kể. Điều này khiến ông Powell nhiều lần nhấn mạnh rằng cần thận trọng trong việc cam kết cắt giảm lãi suất. Thị trường chứng khoán sau đó giảm điểm. Các chuyên gia hạ kỳ vọng chỉ còn một đợt cắt giảm lãi suất nữa của Fed vào 2025.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Canada đã giảm lãi suất và dự kiến tiếp tục nới lỏng thêm vào năm 2025 khi triển vọng kinh tế suy yếu. Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh các rủi ro với tăng trưởng, bao gồm căng thẳng thương mại với Mỹ dưới thời ông Trump.
Đại sứ EU tại Mỹ Jovita Neliupšienė nói tháng trước rằng trường hợp có một số mâu thuẫn thương mại, Liên minh châu Âu sẽ sẵn sàng phản ứng. Mỹ là đối tác thương mại quan trọng nhất của EU, với 1.700 tỷ USD trong thương mại hàng hóa cũng như dịch vụ hai chiều và 5.000 tỷ USD đầu tư hai chiều.
Châu Âu sẽ tổn thất lớn nếu ông Trump áp thuế toàn cầu. EU gồm 27 quốc gia đã xuất khẩu 576,3 tỷ USD hàng hóa, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2023, với thặng dư thương mại hàng hóa là 208,6 tỷ USD, theo dữ liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ.
Ông Trump đã cảnh báo trong chiến dịch tranh cử rằng châu Âu sẽ "phải trả giá đắt" vì không mua đủ hàng xuất khẩu của Mỹ, bao gồm ô tô và sản phẩm nông nghiệp, trong khi người Mỹ mua "hàng triệu và hàng triệu" xe châu Âu sản xuất.
Nhận thức được các mối đe dọa đối với các nền kinh tế đang gặp khó khăn của EU, bao gồm các nhà sản xuất ô tô Đức và Italy, Ủy ban châu Âu đang tìm cách hợp tác kinh doanh với ông Trump như nhập khẩu thêm khí hóa lỏng của Mỹ.
TB (theo VnExpress)