Chuỗi thời trang và đồ thể thao không nằm trong kế hoạch ra mắt năm nay nhưng ban lãnh đạo Thế Giới Di Động thay đổi, dự kiến cho "chào sân" ngay tháng 12.
Chia sẻ tại buổi gặp nhà đầu tư cuối tuần này, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng Giám đốc Công ty CP Thế Giới Di Động nhận định thị trường điện thoại và điện máy đã bão hoà khi mức tăng trưởng mỗi năm chỉ khoảng 10%. Dù vậy, công ty vẫn nhìn thấy cơ hội từ đây bởi thị trường vừa trải qua đợt sàng lọc mạnh sau giãn cách. Nhiều nhà bán lẻ quy mô nhỏ không trụ được, phải rời bỏ thị trường nên các doanh nghiệp nếu làm tốt vẫn có thể tăng thị phần.
Ông Hiểu Em lấy ví dụ, trong tháng đầu tiên mở cửa lại sau giãn cách, doanh số chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và cao hơn cả những tháng bán hàng cao điểm dịp Tết. Công ty dự đoán hai tháng cuối năm khó đạt doanh thu như tháng 10, nhưng tính cả quý IV, kết quả vẫn rất tốt để bù đắp những tháng đóng cửa.
"Cả năm khó đạt mục tiêu doanh số 125.000 tỷ đồng nhưng chúng tôi vẫn có thể duy trì tăng trưởng 3-5% so với năm ngoái", ông Hiểu Em nói.
Người đứng đầu hai chuỗi này cho rằng bốn nguyên nhân để công ty tăng trưởng nhanh sau giãn cách. Thứ nhất, công ty mở cửa nhanh chóng và đồng loạt. Thứ hai, trong giai đoạn đóng cửa, công ty đã lên đơn hàng và hối thúc nhà cung cấp nên nguồn hàng hiện tại dồi dào trong khi đối thủ có thể đang thiếu hụt. Hai yếu tố cuối cùng là thực hiện chương trình kích cầu bán hàng, mua càng nhiều thì giảm càng nhiều và có thể lắp đặt ngay.
Để chuẩn bị cho việc thị trường điện thoại và điện máy chững lại trong những năm tới, ông Hiểu Em cho hay Thế Giới Di Động đã manh nha các mô hình kinh doanh mới.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ bán những nhóm hàng khác hoàn toàn với những gì đã bán trước đây", ông Hiểu Em nói, đồng thời tiết lộ chuỗi bán lẻ thời trang và đồ thể thao có thể ra mắt thử nghiệm trong tháng 12.
Lãnh đạo Thế Giới Di Động nhận định thời trang là mảng bán lẻ lớn, đặc biệt xuất hiện nhiều khoảng trống sau dịch bệnh. Công ty không thuê đơn vị nghiên cứu thị trường mà tự tìm hiểu quy mô, đơn vị đang dẫn đầu, rủi ro và khả năng thành công trước khi thử nghiệm. Công ty cho biết sẽ mở nhanh để lấy nhanh thị phần, nhưng việc tăng số lượng cửa hàng lên đến mức độ nào thì cần thời gian vận hành và đánh giá hiệu quả mới quyết định.
Chuỗi bán lẻ thời trang và các dự án đã ra mắt trong năm nay, theo ông Hiểu Em, đều không nằm trong kế hoạch phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn nhiều cửa hàng hiện hữu đóng cửa vì dịch bệnh, ban lãnh đạo đã nghĩ ra với mục tiêu chính là làm sao để doanh số năm nay ít thiệt hại nhất và năm tới vẫn có thể tăng trưởng.
Trước đó, vào đầu tháng 5, Thế Giới Di Động thử nghiệm bán xe đạp và phụ kiện như bình nước, mũ bảo hiểm, khoá chống trộm... trước các cửa hàng Điện Máy Xanh. Giữa tháng 10, công ty mở thêm TopZone - chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm Apple. Công ty ước tính đang chiếm khoảng 25% thị phần bán lẻ Apple tại Việt Nam và đặt mục tiêu mở 50-60 cửa hàng đến hết quý I.2022 để chiếm lĩnh thị trường.
Đến đầu tháng 11, Thế Giới Di Dộng lập thêm một công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng để vận hành hệ thống kho bãi, vận tải, giao hàng giữa các kho tổng và cửa hàng. Công ty này có tham vọng trong tương lai mở rộng để cung cấp dịch vụ logistics cho đối tác bên ngoài và huy động thêm vốn.
Mục tiêu của Thế Giới Di Động là năm nay có doanh thu 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.750 tỷ đồng. Báo cáo tài chính chín tháng đầu năm ghi nhận doanh số 86.820 tỷ đồng và lãi 3.338 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 69% và 70% kế hoạch. Chuỗi Điện Máy Xanh dẫn đầu tỷ trọng đóng góp doanh thu với hơn 50,2%, sau đó đến Bách Hoá Xanh và Thế Giới Di Động lần lượt chiếm 26,1% và 23,7%.
Theo VnExpress