Thầy giáo Chế Lan Viên

20/11/2015 09:28

Những năm 1939-1940, nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) cùng bạn thơ là Yến Lan dạy môn Việt văn ở Trường Misson tại tỉnh Thanh Hóa, các môn học khác bắt buộc phải dạy bằng tiếng Pháp. Trong lớp có hai học trò là Võ Thúc Loan (sau này tham gia cách mạng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế) và Bùi Kính Vinh, cả hai đều có năng khiếu về môn văn nên đặc biệt được thầy Chế Lan Viên quan tâm dìu dắt, không chỉ ở trường mà cả ở nhà riêng để dạy thêm.

Thời ấy, thầy Chế Lan Viên nghèo, cả năm thầy chỉ có 2 bộ quần áo vải thô, suốt tuần phải mặc thay đổi, mùa đông cũng như mùa hè. Biết vậy, các học trò trong lớp thương thầy lắm, tất cả đều muốn tìm cách giúp đỡ thầy, tuy phần lớn trò cũng là con nhà nghèo. Riêng Loan và Vinh thương thầy hơn, vì trò giỏi văn mà gặp thầy dạy văn hay thì còn quý gì bằng. Cả hai trò đều tìm cách giúp đỡ thầy mà chưa có cơ may. Năm đó, chính phủ Nam Triều phát động trong học sinh trung học một cuộc thi viết luận văn ca tụng “Đất nước thanh bình” (ý ca ngợi chế độ Nam Triều) của Bảo Đại vào dịp sinh nhật hoàng tử Bảo Long. Lần ấy Võ Thúc Loan và Bùi Kính Vinh bàn nhau tham gia viết bài dự thi, quyết tâm giành giải thưởng cao để có cơ hội biếu thầy Chế, cũng là để cùng nhau đền đáp công lao dạy dỗ của thầy. Quả nhiên tin vui đến. Sau mấy tháng cuộc thi kết thúc, từ dinh Thống đốc tỉnh Thanh Hóa gửi thông báo đích danh: Võ Thúc Loan và Bùi Kính Vinh vào dinh lĩnh giải thưởng, mỗi giải trị giá 20 đồng (bằng hai tháng lương thông phán lúc bấy giờ) và 4 m vải đẹp.

Biết được tin này, trò Loan và trò Vinh mừng rỡ, tưởng thầy Chế cũng mừng cho trò. Nào ngờ, thầy Chế lại buồn bực, nếu biết trước thầy sẽ không cho trò tham dự cuộc thi là điều chắc chắn. Thầy gọi hai trò đến mắng cho một trận mê tơi, nói sẽ không thèm dạy hai trò này, lại cấm không được đến nhà thầy nữa. Cả hai trò cùng lặng im ra về. Đợi đến một ngày chủ nhật, hai trò đến trình bày với thầy ý định của mình là xuất phát từ thương thầy để có quà biếu thầy nên mới tham gia cuộc thi.

Cả hai cùng nằng nặc xin thầy tha thứ. Lúc bấy giờ, nhìn hai trò khúm núm, sợ sệt, thầy Chế Lan Viên thấy thương quá, các em trẻ người non dạ, suy nghĩ còn nông cạn nên thầy ôn tồn nói: “Tình cảm, ý nghĩ của Loan và Vinh đối với thầy thì tốt, rất đáng quý. Nhưng việc làm như thế là không được, ai lại dùng ngòi bút ca ngợi thằng nhóc con ấy (ý nói Bảo Long) và ca ngợi vua tôi bù nhìn Bảo Đại về cảnh thanh bình giả tạo hòng đánh lừa dân chúng, lấy đồng tiền thưởng bẩn thỉu. Như thế là rất hại, có tội với dân. Không bao giờ thầy nhận thứ quà đó”.

Qua phân tích của thầy, cả hai trò nhận ra sai lầm của mình, cùng nhau quyết không đi nhận giải thưởng nữa. Việc làm này dẫn đến Võ Thúc Loan và Bùi Kính Vinh suýt bị đuổi học, thầy Hiệu trưởng cũng bị vạ lây bởi đốc học Thanh Hóa (tương đương Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hiện nay) bắt làm kiểm điểm.

Bình sinh, Chế Lan Viên nóng tính, ngay thẳng. Sau này trở thành nhà thơ lớn, từng là ủy viên Ban Văn hóa của Quốc hội nhưng ông vẫn sống thanh bạch. Nhà thơ Chế Lan Viên qua đời năm 1989 tại ngôi nhà cấp 4 thuộc quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh). Thầy ra đi đã để lại một gia tài trí tuệ đồ sộ, với nhiều tác phẩm thơ văn, lý luận, phê bình văn học quý giá.

LÊ HỒNG BẢO ANH(st)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thầy giáo Chế Lan Viên