Thấu lòng cha mẹ nơi cổng trường thi

27/06/2019 17:15

Từng ánh mắt dõi theo con dưới cái nắng như đổ lửa là hình ảnh xúc động mà chúng tôi ghi nhận ở một số điểm thi THPT quốc gia 2019 trên địa bàn tỉnh.


Người mẹ cười tươi vì con làm bài tốt. Ảnh chụp tại điểm thi Trường THPT Nam Sách

Sợ vết mổ của con bục ra

Gần trưa 27.6, khi tiếng trống báo hiệu môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2019 vừa dứt, gương mặt của nhiều phụ huynh đang hồi hộp, chầu chực bên ngoài cổng điểm thi như giãn ra.

Đối với vợ chồng chị Nguyễn Thị Đào ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), 3 ngày con trai đi thi là ngần ấy ngày vợ chồng chị như “nín thở”.

Em Nguyễn Tuấn Anh - con trai chị Đào dự thi tại điểm Trường THPT Cẩm Giàng II. Chị Đào kể Tuấn Anh vừa trải qua ca phẫu thuật mổ ruột thừa được 2 ngày thì phải đến trường thi. Lúc lên bàn mổ, gia đình cũng xác định Tuấn Anh không thể tham dự kỳ thi, nhưng may sao cháu có nghị lực vượt lên. Khi mổ xong, cháu cố gắng dậy tập đi, nên phút cuối cùng các bác sĩ đã đồng ý cho cháu ra viện để đi thi.

Đưa con đến điểm thi đúng kiểu “trực chiến”, ngồi bên ngoài cổng trường với lỉnh kỉnh thuốc, nước… dưới cái nắng như đổ lửa, chị Đào rơm rớm nước mắt: “Chưa khi nào tôi thấy thời gian trôi chậm như vậy, thương con mà không biết làm thế nào. Chỉ sợ vết mổ chưa kịp lành lại bục ra, hay cháu ngồi lâu không chịu được nên vợ chồng tôi bảo nhau cứ ngồi chờ chực ở đây, không dám đi đâu. Rất may, cháu đã vượt qua kỳ thi, chưa biết kết quả thế nào nhưng thế là chúng tôi mãn nguyện”.


 Phụ huynh đội nắng chờ con ở điểm thi Trường THPT Cẩm Giàng II

Đồng hành cùng con

Với tâm lý 12 năm học, chờ “hái quả” ở 3 ngày thi nên dù quãng đường từ nhà đến điểm thi không xa, nhiều phụ huynh vẫn cố gắng sắp xếp công việc để đưa con đi thi.

Vượt hơn 100 km từ Quảng Ninh về để kịp đưa con gái đi thi THPT quốc gia, ông Phạm Đình Băng ở xã Hùng Thắng (Bình Giang) đang công tác tại Công ty Than Đông Bắc kể: "Bình thường tôi đi làm cả tháng mới về thăm nhà một lần nhưng lần này con gái đi thi, tôi xin nghỉ 3 ngày để về động viên cháu. Bây giờ, bọn trẻ học hành kiến thức nặng hơn thời chúng tôi. Vậy nên tôi chỉ biết động viên tinh thần cho con. Bố mẹ nào cũng mong con đỗ đạt, thành tài nhưng tôi không gây áp lực cho cháu, cố gắng tạo tâm lý thoải mái để cháu làm bài thi tốt nhất là được".

Để đồng hành cùng con trong những ngày thi, chị Phạm Thị Hòa ở xã Đồng Lạc (Nam Sách) xin công ty nghỉ 3 ngày. “Có đi làm thì mình cũng không yên tâm, sợ con ngủ quên, hay thiếu giấy tờ, mình phải ở bên để kịp xử lý cho con. 12 năm đèn sách, trải qua bao nhiêu kỳ thi lớn nhỏ, tôi đều có thói quen đồng hành cùng con như thế. Con thức đêm ôn thi, mẹ thức cùng, giờ con trải qua kỳ thi quan trọng thì bận mấy mẹ cũng sắp xếp được”.

Chị Đào Thị Hường ở thị trấn Thanh Hà có con đi thi ở điểm Trường THPT Thanh Hà cho biết: "Thường ngày, con tôi vẫn đi bộ đến trường vì nhà cách trường gần 1 km. Nhưng hôm nay, tôi xung phong đưa cháu đi thi bằng xe đạp điện. Mặc dù con tự đi được nhưng tôi vẫn muốn đưa cháu đi, rồi lại đón cháu về, như vậy tôi thấy yên tâm hơn. Xong kỳ thi này, dù kết quả thế nào thì tôi cũng thưởng cho cháu một chuyến du lịch, coi như xả hơi".

Tình cảm của cha mẹ với con cái trong các kỳ thi bao giờ cũng lớn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cha mẹ không nên chờ chực ở cổng trường con thi. Cũng không nên đưa đón nếu con có thể tự đi được đến điểm thi. Học sinh lớp 12 không còn bé. Các em cần có cơ hội tự lập để trưởng thành.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thấu lòng cha mẹ nơi cổng trường thi