Thất thu thuế kinh doanh vận tải: Không lẽ bó tay?

17/11/2019 10:03

Việc thu thuế khoán đối với phương tiện vận tải kinh doanh hàng hóa gặp nhiều khó khăn, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Tứ Lộc tuyên truyền, vận động người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính với Nhà nước

Nhiều lý do để trốn thuế

Hiện nay, việc thu thuế phương tiện vận tải đối với các hộ khoán gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chủ phương tiện tìm mọi cách trốn tránh nộp thuế.

Chi cục Thuế khu vực Nam Thanh đang quản lý khoảng 300 phương tiện vận tải cá nhân nhưng mới có gần 200 xe được nộp thuế theo quy định. Các chủ xe còn lại viện đủ lý do để lẩn tránh, số tiền nợ đọng lên tới hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Tự, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Nam Thanh cho biết nhiều chủ phương tiện chống đối, tìm đủ lý do trốn thuế như đưa xe sang địa bàn khác hoạt động, đi sớm về muộn để không gặp cán bộ thuế, núp bóng doanh nghiệp thông qua ký hợp đồng thuê phương tiện vận tải hoặc kê khai không đúng thực tế kinh doanh…

Chi cục Thuế khu vực Tứ Lộc còn quản lý số phương tiện lớn hơn với 460 xe vận tải có hoạt động kinh doanh hàng hóa phải nộp thuế khoán. Mặc dù vậy, mới có khoảng 70% số chủ phương tiện thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước nhưng số tháng nộp cũng không nhiều.

Theo ông Vũ Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Tứ Lộc, nhiều chủ phương tiện lấy lý do công việc ít, không đều, thường xuyên ốm đau phải nghỉ hoạt động… nên mỗi năm chỉ nộp thuế vài tháng.

Cán bộ thuế cũng không có cách gì xác thực vì họ có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ sở y tế. Vì vậy thất thu trong lĩnh vực này luôn lớn và rất khó thu hồi.

Năm 2017, Chi cục Thuế các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc tổ chức kiểm tra, truy thu, xử phạt chủ các phương tiện vận tải 400 triệu đồng nhưng từ năm2018 đến nay, Chi cục Thuế khu vực Tứ Lộc không truy thu, xử phạt được phương tiện nào do các chủ phương tiện chây ỳ, chống đối.

Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh, trong quý III năm nay có 2.930 hộ kinh doanh vận tải đã lập bộ với số thuế phải thu hơn 3,2 tỷ đồng nhưng mới có 1.570 hộ nộp 1,3 tỷ đồng. Như vậy, số thuế thực thu so với số thuế lập bộ chỉ đạt khoảng 43%. Toàn tỉnh vẫn còn 1.360 hộ kinh doanh vận tải chưa nộp khoản thuế này với số tiền gần 1,9 tỷ đồng mỗi năm.

Chưa có biện pháp hiệu quả

Kinh doanh vận tải là lĩnh vực đặc thù, rất khó kiểm soát, dễ gây thất thoát ngân sách nhà nước. Ông Vũ Ngọc, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết các chủ phương tiện thường đi làm ăn xa, thời gian không cố định, nhận thức về pháp luật thuế còn hạn chế nên không tự giác thực hiện các quy định.

Một trong những khó khăn đối với công tác thu thuế hộ kinh doanh vận tải là cán bộ thuế không có chức năng dừng xe để kiểm tra, thu thuế, trong khi việc phối hợp với công an giao thông ở các địa phương không thực sự hiệu quả.

Có những chủ phương tiện mua xe ở tỉnh khác nhưng lại không sang tên, đổi chủ và thường xuyên đi làm ăn xa nên cán bộ địa phương, cán bộ thuế không biết có hoạt động kinh doanh vận tải để thu thuế.

Nguyên nhân thất thu thì nhiều nhưng các biện pháp triển khai để chống thất thu lại chưa hiệu quả. Ông Khoa cho rằng, hiện thu thuế phương tiện vận tải vẫn dựa vào sự tự giác của người nộp thuế do chưa có chế tài đủ mạnh.

Trước đây, cơ quan thuế tại các địa phương đã xây dựng quy chế phối hợp với lực lượng công an giao thông trong kiểm tra, xử phạt chủ phương tiện chưa nộp thuế phương tiện vận tải. Tuy nhiên, sự phối hợp chưa hiệu quả do hiện lực lượng công an chỉ được dừng xe nếu xác định lỗi cụ thể của chủ phương tiện.

Trong khi đó, chủ phương tiện chưa nộp thuế phương tiện vận tải không phải lỗi để công an giao thông xử lý. Vừa qua, Cục Thuế tỉnh đã có quy chế phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong chấp hành nghĩa vụ kê khai, nộp thuế phương tiện vận tải bằng cách thường xuyên cập nhật danh sách, rà soát cấp phù hiệu kinh doanh vận tải.

Trong trường hợp chủ phương tiện không đăng ký kê khai, nộp thuế, cơ quan chức năng cũng không có biện pháp để thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu do vướng quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Chính quyền, công an các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan thuế để thống kê toàn bộ phương tiện vận tải trên địa bàn.

Sở Giao thông vận tải cần cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác cho cơ quan thuế các thông tin liên quan đến công tác quản lý phương tiện vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh, phù hiệu, trụ sở chính, trụ sở chi nhánh trong tỉnh để cơ quan thuế làm căn cứ thu thuế.

Sự phối hợp giữa cơ quan thuế, Sở Giao thông vận tải và lực lượng công an các huyện, thị xã, thành phố cần chặt chẽ hơn nữa với các chế tài xử lý kiên quyết, hiệu quả các chủ phương tiện cố tình trốn tránh, chây ỳ thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước để bảo đảm công bằng giữa các chủ xe.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thất thu thuế kinh doanh vận tải: Không lẽ bó tay?