Tháp cửu phẩm liên hoa chùa Linh Quang

26/07/2011 16:18

Tháp Cửu phẩm liên hoa chùa Linh Quang là công trình kiến trúc tôn giáo có chất liệu gạch, đá độc nhất của tỉnh Hải Dương, tọa lạc trên mảnh đất đẹp ở cuối thôn Lương Xá, xã Kim Lương, huyện Kim Thành.



Ngược dòng lịch sử, Lương Xá là vùng đất màu mỡ thuộc đồng bằng sông Hồng, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Lương Xá là một xã thuộc tổng Bất Nạo, huyện Kim Thành. Sau Cách mạng tháng Tám, ba xã Lương Xá, Cổ Phục và Mân Lộc đổi thành đơn vị thôn và sáp nhập thành một xã mới, lấy tên là xã Minh Tân. Tháng 4 năm 1946, xã Minh Tân đổi tên thành xã Nhật Tân. Tháng 7 năm 1949, xã Nhật Tân sáp nhật với xã Vạn Thọ thành xã Vạn Tân. Năm 1956, sau cải cách ruộng đất, xã Vạn Tân lại tách thành hai xã mới: Kim Khê và Kim Lương. Hiện nay, xã Kim Lương có hai thôn Lương Xá và Cổ Phục, thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Kim Lương là một xã có lịch sử lâu đời, mảnh đất này đã từng tồn tại nhiều di tích lịch sử - văn hóa, các thôn đều có đình, miếu, nghè, chùa. Trải qua thiên nhiên và chiến tranh và thời gian nên hầu hết các công trình tín ngưỡng tôn giáo của xã đã bị phá hủy. Gần đây, do chính sách của nhà nước, một số công trình đã được khôi phục lại. Hiện nay, toàn xã chỉ còn di tích đình Lương Xá và Cửu phẩm liên hoa chùa Linh Quang còn khá nguyên vẹn, hai di tích này đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia vào ngày 19 tháng 1 năm 2001.

Linh Quang là tên tự của chùa Lương Xá, công trình tôn giáo này được nhân dân địa phương khởi dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII), đến thời Nguyễn, chùa có qui mô khá lớn. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa gồm 5 gian tam bảo, 5 gian nhà tổ, 3 gian nhà khách được xây dựng chắc chắn, lợp ngói mũi hài. Ngoài ra, chùa còn nhiều nếp nhà tre dùng cho người phục vụ, nhà kho... Cảnh quan khá đẹp, cây cối xum xuê, cảnh chùa tịch mịch, linh thiêng. Chùa Linh Quang và Tháp Cửu phẩm liên hoa là hai di tích lớn nhất trong vùng, đồng thời chùa có nhiều sư trụ trì, nhiều người phục vụ và khá nhiều ruộng đất. Trong kháng chiến, thực dân Pháp dỡ chùa lấy vật liệu xây bốt Phú Thái, chỉ còn nền móng và Tháp Cửu phẩm. Năm 1968, trên cơ sở nền móng cũ, huyện Kim Thành xây dựng một nhà kho chứa thóc và một số sản phẩm thủy sản. Năm 1991, nhân dân tận dụng công trình cũ, cải tạo làm nơi thờ Phật. Năm 2006, bằng sự góp công, góp của của nhân dân, chùa Linh Quang được phục dựng lại trên nền móng cũ.

Tháp cửu phẩm liên hoa được xây dựng từ năm Bính Dần (1926) tại vị trí trước chùa. Công trình có kiến trúc độc đáo, được các nghệ nhân từ Nam Định thi công Tháp cao 13,5m gồm 9 tầng, hình dáng kiểu lục giác, quay theo hướng Tây Nam - Tây Bắc và Đông Bắc - Đông Nam. Kết cấu là gạch theo phương thẳng đứng, toàn bộ tháp chia làm 3 phần: Bệ, thân và chóp.

Phần bệ: Xây đặc vững chắc thành hình lục giác đều, mỗi cạnh được bố trí một sấu đá bán thân giơ lưng đỡ tháp, hai chân trước vờn cầu khắc chữ thọ, các con sấu này do các nghệ nhân Thanh Hóa chế tác bằng đá xanh, khá sinh động. Bệ không tạo phù điêu chỉ có nhiều đường gờ chỉ kép chạy đều, tạo cho phần bệ không khô cứng mà mềm mại,  làm cho người xem không nhàm chán.

Phần thân: Thân chia thành 9 tầng, bên trong rỗng và được chia thành 3 mảng trang trí khác nhau của 3 nhóm tầng:

- Tầng 1, 2, 3 có cùng một kích thước, mỗi cạnh dài 1,3m, cao 1,2m, tạo thành hình lục giác, phân cách mỗi tầng bằng đường gờ chỉ sáu mặt, mỗi mặt ghép gạch hoa tạo thành một bông hoa thị lớn khá sinh động, phía dưới có phù điêu sóng nước thủy ba và phù điêu chữ triện khá đẹp. Trên nóc tầng 3, tạo dáng ngói âm dương, trên các đường gờ đều khắc phù điêu chữ thọ, phía dưới là những bông cúc bằng sành sứ hết sức nghệ thuật. Có thể nói, mô tuýp của 3 tầng dưới là ghép gạch hoa, tạo thành các mảng phù điêu hoa thị, chữ triện, chữ thọ, hoa cúc và hoa văn sóng nước.

- Tầng 4, 5, 6 có cùng một kích thước nhưng nhỏ hơn 3 tầng dưới. Kết cấu chính của 3 tầng này không khác so với các tầng 1, 2, 3, chất liệu vẫn là gạch ống và gạch hoa, phía trong rỗng, nhưng điều đặc biệt của 3 tầng này là các mảng phù điêu ghép khá công phu và chi tiết. Chính giữa các cạnh đều ghép các viên gạch hoa tạo dáng hình quả trám, hoa thị, có mặt gắn sành sứ tạo thành chữ thọ màu xanh. Phân cách giữa các tầng là phù điêu sóng nước thủy ba và những cánh sen được ghép bằng các mảng sành sứ nhưng dầy hơn, phân cách của 3 tầng giữa là mái, tầng 6 có phần mái dầy hơn, vẫn theo mô tuýp cũ như tạo dáng ngói âm dương, các đường gờ đắp chữ thọ. Tuy nhiên, ở mỗi nơi tiếp giáp của các cạnh, các nghệ nhân bố trí 6 đầu rồng gắn sành sứ quay về các hướng.

- Tầng 7, 8, 9 có kích thước nhỏ nhất, 3 tầng này có kết cấu giống với kết cấu của các tầng dưới, nhưng việc trang trí các phù điêu bằng gạch men và tỷ lệ linh hoạt hơn. Ngoài các cạnh giao nhau ghép gạch hoa có cùng một mô tuýp từ các tầng dưới lên, điều khác biệt là tầng 7 và tầng 9 thì 6 mặt đều gắn sành sứ tạo thành chữ thọ ở chính giữa, còn ở tầng 8 lại có 6 bông hoa cúc vàng mãn khai ở giữa các mặt quay về các hướng. Phần mái tầng 9 rộng hơn, phía trên tạo ngói âm dương có gắn chữ thọ, mỗi cạnh có một đầu rồng quay về mỗi hướng, phù điêu hoa cúc, sóng nước thủy ba, các cánh sen dầy được ghép bằng mảnh sứ khá sinh động.

- Phần chóp: Phần chóp được kiến tạo trên 9 tầng và là chi tiết cuối cùng của tháp cửu phẩm, các nghệ nhân xưa đã tạo dáng hình mui luyện có 6 cạnh quay về các hướng, trên cùng tạo dáng hình nậm rượu lớn, 4 mặt gắn sành sứ tạo thành chữ thọ với ý nghĩa: Đạo Phật là trong sáng nhất, Phật có thể nhìn thấu 4 phương 8 hướng, cứu khổ cứu nạn cho mọi người, sự nghiệp của Phật sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian.
Tháp Cửu phẩm liên hoa chùa Linh Quang là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tuy nhiên trong kháng chiến chống Pháp và những năm trước đây, tháp bị xuống cấp nặng, nhiều chi tiết bị sứt vỡ, tầng 8 bị thủng trơ gạch do đạn pháo, cỏ cây rêu phong làm giảm giá trị. Năm 2003, bằng nguồn kinh phí của nhà nước, Tháp đã được chống xuống cấp, bước đầu trở lại dáng kiến trúc vốn có của nó.

Trong những ngày gian khổ khi chùa bị phá, nhân dân chuyển tượng về chùa Bãi (cách chùa 1,3km về phía Đông Bắc) để bảo vệ.Khi chùa được phục dựng, tượng đã chuyển về chùa để thờ phụng tạm thời.

Xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, được sự quan tâm của nhà nước, chùa Linh Quang đã được khôi phục lại với nguồn kinh phí hơn 400 triệu đồng, chất liệu bê tông cốt thép, chồng diêm cổ các ngay trên nền chùa cũ. Hệ thống tượng 19 pho gồm 5 lớp tượng chủ yếu như các ngôi chùa miền Bắc. Đặc biệt, các pho tượng Tam thế, A Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Quan Âm tọa sơn, tượng Ngọc hoàng, NamTào, Bắc Đẩu, tòa Cửu Long, tượng Khuyến thiện, Trừng ác, 3 pho tượng mẫu... là các pho tượng đạt trình độ nghệ thuật cao, có niên đại vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ một số cổ vật có chất liệu kim loại, gốm và nhiều đồ thờ tự do nhân dân mới mua sắm.

Di tích Tháp cửu phẩm liên hoa chùa Linh Quang đã được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng là di tích Kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 04/QĐ - BVHTT, ngày 19/1/2001.

Sau khi di tích được xếp hạng, Ban quản lý di tích được củng cố, UBND xã trực tiếp quản lý thông qua lãnh đạo cơ sở thôn, việc bảo vệ và phát huy tác dụng của di tích đã được đẩy mạnh. Toàn bộ khu di tích đã có tường bao, cảnh quan của khu di tích đang được hồi phục. Sắp tới, địa phương và các ngành chức năng tiến hành qui hoạch tổng thể, từng bước khôi phục các công trình đã mất, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của nhân dân.

Hải Dương- Di tích và danh thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháp cửu phẩm liên hoa chùa Linh Quang