Chiều 6.4, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII thảo luận tại hội trường.
Các đồng chí: Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chủ trì thảo luận tại hội nghị
Điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế trong quý II
Theo đồng chí Phạm Bá Dũng, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, quý II.2023, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển khi thị trường Trung Quốc đã mở cửa. Đây là đối tác thương mại hàng đầu khi chiếm trên 20% giá trị xuất khẩu và trên 30% giá trị nhập khẩu của tỉnh. Nguyên vật liệu từ Trung Quốc sẽ làm giảm chi phí sản xuất hàng hoá, từ đó làm tăng tiêu dùng trong nước và cải thiện xuất khẩu sang các thị trường khác. Lạm phát tại nhiều nước có dấu hiệu giảm, giải ngân vốn đầu tư công có tín hiệu tốt... và dự báo tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 7,6%. Mức tăng trưởng này thấp hơn quý 1 do hiệu ứng “mức nền thấp” của cùng kỳ năm trước đang dần mất đi. Đồng thời, một số ngành công nghiệp đang là điểm sáng có thể tăng chậm lại như thức ăn chăn nuôi, linh kiện điện tử, ô tô và phụ tùng, sản xuất điện do nhu cầu thị trường trong nước yếu đi, thị trường thế giới chưa được cải thiện...
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hải Dương nhận định một số lĩnh vực phát triển kinh tế có tín hiệu tốt như vải thiều ra hoa tốt, đậu quả tăng 20 - 30% so với năm trước; sản lượng lúa, chăn nuôi có triển vọng. Phần lớn doanh nghiệp duy trì hoạt động tốt, có 223 doanh nghiệp mới thành lập và trở lại hoạt động. Khu vực dịch vụ hoạt động ổn định.
“Để đạt tăng trưởng theo mục tiêu đề ra, tỉnh cần có giải pháp thực hiện. Các sở, ngành cần tích cực tham mưu tốt để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch của tỉnh và giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển. Công tác thu hút đầu tư của tỉnh trong quí I còn thấp nên cần đẩy mạnh tạo động lực cho tăng trưởng”, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Phạm Bá Dũng kiến nghị.
Đồng chí Phạm Bá Dũng, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hải Dương dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý II năm nay của tỉnh ước đạt 7,6%
Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương đề nghị tỉnh cần điều chỉnh tỷ lệ đô thị hóa để phù hợp với thực tiễn và chỉ tiêu của khu vực đồng bằng sông Hồng. Hiện tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 40,7%. Tỉnh cần giảm chỉ tiêu từ trên 60% vào năm 2025 xuống 55% theo chỉ tiêu của khu vực đồng bằng sông Hồng. “Để đạt được chỉ tiêu trên không còn cách nào khác là đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đô thị trong tỉnh như Bình Giang, Nam Sách”, đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương nêu ý kiến.
Đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Đoàn cũng đề nghị các sở, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa; đồng thời tranh thủ xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch tỉnh, quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các đô thị trong tỉnh.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hòa, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương đề nghị tỉnh tạo điều kiện về nguốn vốn, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX
Chuyển đổi số cần phù hợp với thực tiễn
Liên quan thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Nguyễn Cao Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương cho biết mục tiêu tổng quát đến năm 2025 tỉnh xếp thứ 20 tỉnh, thành phố của cả nước thì 2 năm qua tỉnh đều xếp thứ 14 (trước khi chưa triển khai nghị quyết, tỉnh đứng thứ 19). Như vậy mục tiêu tổng quát của tỉnh ở thời điểm này đã hoàn thành.
Đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương đề nghị khi rà soát đề xuất danh mục nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU xong thì cần ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai, có như vậy mới có thể hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đến cuối nhiệm kỳ. "Các ngành, địa phương cần tăng tính chủ động, bám sát vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong nghị quyết và có kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện", đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương đề xuất.
Để việc chuyển đổi số mang lại hiệu quả, thiết thực, đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện cho rằng cần đánh giá, tạo thay đổi từ những việc cụ thể, từ cơ sở, quan tâm khai thác hạ tầng công nghệ thông tin, những ứng dụng hiện có. Đồng chí Đồng Dũng Mạnh cho biết: “Trình độ của cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở, nhất là cấp huyện còn rất hạn chế. Chính vì vậy, cùng với những mục tiêu tổng quát, lộ trình lớn cần quan tâm đến những vấn đề thiết thực, tạo lợi ích rõ nét trong cuộc sống hằng ngày của người dân, quan tâm đến các trường hợp yếu thế”.
Một số đại biểu cho rằng việc chuyển đổi số cần có những hình thức phù hợp cho từng tầng lớp, trường hợp để mang lại hiệu quả cao hơn.
Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện cho rằng hoạt động của HTX hiện theo kiểu “bình mới, rượu cũ”
HTX hoạt động thiếu hiệu quả
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hòa, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương cho rằng hạn chế trong hoạt động của các HTX một phần do nguồn lực, nhất là tín dụng để hỗ trợ còn thiếu, chưa kịp thời. “Cùng với quan tâm, tạo điều kiện về nguốn vốn, đề nghị tỉnh cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là có cơ chế thu hút các lao động có trình độ khoa học, kỹ thuật về công tác tại các HTX”, đồng chí Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương nêu ý kiến.
Làm rõ hơn về hoạt động của HTX, đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện đánh giá kinh tế tập thể, HTX là bàn đỡ của phát triển kinh tế nhưng phần lớn hiện hoạt động theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Có nơi thống kê thành viên HTX theo hình thức “toàn xã là HTX”. Nhiều nơi HTX gặp khó khăn về vốn, trình độ, năng lực, nhất là của đội ngũ giám đốc HTX. “Tỉnh cần đánh giá đồng bộ, tổng thể, thực chất hệ thống HTX và có những hỗ trợ cụ thể, tạo cú hích cho HTX phát triển, nhất là hỗ trợ về vốn, tổ chức bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ lãnh đạo HTX”, đồng chí Bí thư Huyện ủy Thanh Miện đề nghị.
Đồng chí Trần Văn Hảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương Hải Dương đề xuất giải pháp giúp HTX, sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ hiệu quả là tỉnh tăng cường chuyển đổi số, xúc tiến thương mại với nhiều hình thức, cố gắng khai thác thị trường trong nước, tận dụng tốt các hiệp định thương mại để tăng cường xuất khẩu. Tỉnh quan tâm đến hệ thống chợ để tiêu thụ sản phẩm của nông dân, HTX thuận lợi hơn. Đặc biệt, xây dựng trung tâm của tỉnh để trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm tiêu biểu hằng ngày. Các địa phương cũng quan tâm dành vị trí để trưng bày sản phẩm nổi bật của mình và địa phương khác.
Ngoài những ý kiến trên, nhiều đại biểu nêu nhiều ý kiến, kiến nghị, giải pháp về các nội dung liên quan tại hội nghị.
PV
>>> Sáng nay 6.4, khai mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII
>>> Hải Dương duy trì vị trí thứ 14 cả nước về chuyển đổi số
>>> Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tập thể ở Hải Dương còn chậm