Ngoài việc phải có ít nhất 1 năm làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được phân công, công chức thanh tra chuyên ngành lao động xã hội còn phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.
Đây là một trong những tiêu chuẩn của công chức thanh tra chuyên ngành lao động xã hội nêu tại Thông tư số 14/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành lao động - thương binh và xã hội.
Ngoài việc phải có ít nhất 1 năm làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được phân công (không kể thời gian tập sự), công chức thanh tra chuyên ngành lao động xã hội còn phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ được phân công; có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành; am hiểu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, phải nắm vững các quy định về chuyên môn, quy tắc quản lý liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị nơi công tác; có kiến thức về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành và có khả năng phân tích, tổng hợp.
Bên cạnh đó, thông tư quy định chi tiết điều kiện đối với cộng tác viên thanh tra là công chức, viên chức được Thanh tra bộ, sở trưng tập tham gia đoàn thanh tra; cộng tác viên thanh tra không thuộc biên chế của các cơ quan thanh tra nhà nước. Cụ thể, phải có ít nhất 2 năm công tác trong lĩnh vực được trưng tập; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; am hiểu pháp luật, có trình độ chuyên môn phù hợp và có khả năng phân tích, tổng hợp và viết báo cáo.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015.