Thời gian qua, tuổi trẻ Hải Dương đã phát huy tinh thần xung kích tham gia các hoạt động chuyển đổi số trong cộng đồng bằng những việc làm cụ thể.
Ra mắt "Bản đồ số hóa các địa danh lịch sử" tại cây vải tổ (Thanh Hà)
Cuối năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương (Tỉnh đoàn) đã bắt đầu triển khai ứng dụng chuyển đổi số i-HR trong tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho sinh viên tại các trường đại học trong tỉnh. Ngoài tư vấn, hướng nghiệp cho sinh viên, cán bộ của trung tâm còn hướng dẫn tải app, giúp đỡ về kỹ thuật cho các trường.
Ông Vũ Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương cho biết trung tâm đã mở 2 lớp tập huấn cho cán bộ Đoàn, cán bộ phụ trách phát triển i-HR tại cơ sở ở huyện Thanh Miện và thị xã Kinh Môn. Tỉnh đoàn phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức "Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp" theo hình thức trực tuyến thu hút 6.000 học sinh, sinh viên trong tỉnh, qua đó cung cấp cho các em những thông tin cũng như sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề, dự báo nhu cầu nhân lực trong thời gian tới...
"Trước đây, chúng tôi thường xuyên tổ chức trực tiếp các lớp tập huấn, tư vấn, giới thiệu việc làm, quy mô nhỏ lẻ thì đến nay đã được triển khai bằng hình thức trực tuyến. Tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được triển khai ứng dụng i-HR. Không chỉ phát triển trong đoàn viên thanh niên, năm nay, dự kiến toàn tỉnh sẽ có 50.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp tiếp cận được với ứng dụng chuyển đổi số i-HR", ông Cường nói.
Tỉnh đoàn còn là đơn vị đầu tiên của tỉnh phối hợp Liên minh SaiGontel-NGS tổ chức cuộc thi "Nét đẹp đoàn viên" trên nền tảng xã hội số Hải Dương ID; triển khai cuộc thi tiếng Anh trên ứng dụng Easy Class cho học sinh tiểu học, THCS trong tỉnh. Chỉ sau hơn 1 tuần triển khai, các hoạt động này đã thu hút hơn 10.000 thí sinh tham gia. Theo anh Vũ Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Thanh Miện, 2 cuộc thi thu hút được đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia, hưởng ứng bởi lần đầu tiên các cuộc thi được triển khai trên các ứng dụng chuyển đổi số, qua đó kích thích sự tò mò, sức sáng tạo của các em. Hoạt động này còn giúp đoàn viên thanh niên tiếp cận, nâng cao năng lực số.
Trong Tháng Thanh niên, tuổi trẻ Hải Dương phối hợp ban quản lý một số di tích trên địa bàn tỉnh triển khai "Bản đồ số hóa các địa danh lịch sử" tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (TP Chí Linh), đình Đinh Văn Tả (TP Hải Dương), cây vải tổ (Thanh Hà). Các du khách đến tham quan di tích có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR để tiếp nhận thuyết minh tự động, nắm được thông tin đầy đủ, chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử... mà không cần đến các hướng dẫn viên trực tiếp. Nội dung còn được chuyển sang tiếng Anh phục vụ cho du khách nước ngoài...
Trong cuộc làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh đoàn với Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đã nhấn mạnh Đoàn Thanh niên là lực lượng xung kích, đi đầu trong chuyển đổi số của tỉnh. Tuổi trẻ Hải Dương cần có nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số.
Theo Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hồng Sáng, thời gian tới, việc chuyển đổi số sẽ được Tỉnh đoàn triển khai gắn với nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi, cán bộ Đoàn thông qua lớp tập huấn, học chuyên đề; tham gia nâng cao nhận thức về chuyển đối số trong cộng đồng. Tỉnh đoàn phối hợp triển khai chuyển đổi số trong công tác quản lý đoàn viên, nhất là chấm điểm đánh giá kết quả quản lý đoàn viên trong nhiệm kỳ; tổ chức các cuộc thi, hội thi trên ứng dụng chuyển đổi số.
"Các hoạt động về chuyển đổi số đều ở bước đầu triển khai nên còn gặp nhiều khó khăn. Điển hình như việc thực hiện "Bản đồ số hóa các địa danh lịch sử" cần nguồn kinh phí lớn. Tỉnh đoàn đã chỉ đạo đoàn cơ sở vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đạt hiệu quả cao, rõ nét. Trong thời gian tới, để các hoạt động số hóa được triển khai rộng rãi, các cấp bộ đoàn trong tỉnh cần sự chung tay, giúp đỡ từ các cấp, ngành", Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hồng Sáng cho biết thêm.
NGUYỄN THẢO