Cách đây 1,5 năm do tai nạn giao thông, bệnh nhân N.V.T có các vết thương tầng sinh môn, hậu môn nhân tạo, vết thương dập nát vùng mông… điều kiện vết thương chưa cho phép để mổ thay khớp háng.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân N.V.T
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết bệnh nhân N.V.T (29 tuổi, ở Hải Dương) đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương, chấn thương nặng: chấn thương bụng, chấn thương tầng sinh môn, dập nát vùng mông, gãy xương sườn, vỡ ổ cối xương chậu, kèm theo trật khớp háng (khớp háng chui hẳn trong bụng, trật sâu vào trong khung chậu của người bệnh).
Khai thác bệnh sử được biết, cách đây 1,5 năm do tai nạn giao thông, người bệnh có các vết thương tầng sinh môn, hậu môn nhân tạo, vết thương dập nát vùng mông… điều kiện vết thương chưa cho phép để mổ thay khớp háng.
Hậu quả là người bệnh đau đớn, ngắn chi (chân trái ngắn hơn chân phải khoảng 3-4cm), đi lại khó khăn, hạn chế vận động, ảnh hưởng đến khả năng lao động và cuộc sống hằng ngày.
Các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phải điều trị các chấn thương dập nát tầng sinh môn, vùng mông, đóng hậu môn nhân tạo, gỡ dính ruột… cho người bệnh. Khi người bệnh có đủ điều kiện phẫu thuật chấn thương khớp háng thì mới có thể xử lý gãy ổ cối và trật khớp háng.
Theo các bác sĩ, đứng trước người bệnh như thế này, nếu là người trẻ tuổi, đến sớm, không kèm theo những vết thương phần mềm khác gây ra nguy cơ nhiễm trùng thì các bác sĩ sẽ có chỉ định đặt lại khớp háng kết hợp xương khung chậu.
Tuy nhiên, đây là trường hợp khó vì người bệnh đến bệnh viện muộn, sau chấn thương 1,5 năm, đã vỡ nát xương chậu, trật khớp háng lâu ngày, chỏm xương đùi bị tiêu, đã hỏng sụn khớp.
Nếu có mổ đặt lại khớp háng kết hợp xương khung chậu cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn nên các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật thay lại khớp háng cho người bệnh. Khi tổn thương khớp háng không thể hồi phục thì việc thay toàn bộ khớp háng là một lựa chọn “cứu cánh” cho người bệnh.
Để “sửa chữa” di chứng đa chấn thương của người bệnh N.V.T, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Khánh và ê kíp đã tiến hành ghép xương, tạo hình lại ổ cối để chuẩn bị cho việc đặt lại ổ khớp mới. Sau đó, các bác sĩ thay khớp háng thế hệ mới - khớp háng không xi măng và 2 chuyển động.
Theo Tiền phong