Thanh niên nông thôn khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

28/10/2012 09:44

Một trong những nguyên nhân là do họ không có tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng theo nguyên tắc bảo đảm an toàn tín dụng...



Nếu được vay nguồn vốn ưu đãi thông qua tổ chức đoàn, anh Thưởng sẽ đầu tư nuôi nhiều chim bồ câu


Anh Lưu Quang Thưởng, ở thôn Đồng Kênh, xã Tam Kỳ (Kim Thành) phát triển kinh tế gia đình theo mô hình tổng hợp: nuôi cá, lợn, chim bồ câu, cấy lúa trên tổng diện tích hơn 2,2 ha. Để có cơ ngơi như hiện nay, gia đình anh phải thế chấp giấy tờ nhà đất để vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lãi suất khá cao. Anh Thưởng cho biết: “Hiện tại, tổng số vốn đầu tư của gia đình tôi khoảng 600 triệu đồng, trong đó chủ yếu vay ngân hàng hoặc thông qua các đoàn thể khác. Tôi chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ tổ chức đoàn. Nếu bây giờ được vay nguồn vốn ưu đãi thông qua tổ chức đoàn, tôi sẽ tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi chim bồ câu, mở rộng sản xuất”.

Theo Huyện đoàn Kim Thành, trong 5 năm qua (2007-2012), toàn huyện đã thành lập được 56 tổ vay vốn tại 16 xã, thị trấn với tổng số dư nợ hơn 26 tỷ đồng cho 1.674 hộ thanh niên vay. Tuy nhiên, số vốn này chủ yếu cho vay phục vụ học tập, còn nhu cầu vay để phát triển kinh tế chỉ dựa vào vốn giải quyết việc làm. Nhưng Huyện đoàn cũng mới chỉ giải ngân cho thanh niên vay 675 triệu đồng.

Tại huyện Gia Lộc, các cấp bộ đoàn mới thành lập các tổ vay vốn ưu đãi ở 12 xã, thị trấn, còn tới 11 xã chưa thành lập được tổ vay vốn của thanh niên. Theo Huyện đoàn Gia Lộc, phần lớn thanh niên có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế chủ yếu nhờ những người thân trong gia đình vay nguồn vốn ưu đãi do các đoàn thể tín chấp với các ngân hàng. Mặt khác, thanh niên vay vốn phát triển kinh tế chỉ có thể vay nguồn vốn giải quyết việc làm (nguồn vốn 120), hoặc vay các nguồn vốn khác đều phải sử dụng đúng mục đích như vay chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường, vay xuất khẩu lao động, còn vay theo diện hộ nghèo thì không được bởi thanh niên không thuộc diện được bình xét hộ nghèo tại địa phương.

Theo thống kê của Tỉnh đoàn, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã thành lập được 412 tổ vay vốn tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cho 9.509 hộ thanh niên vay, với tổng dư nợ đạt 156 tỷ đồng. Toàn tỉnh vẫn còn 93 xã, phường, thị trấn chưa thành lập được tổ vay vốn của thanh niên. Theo thông kê của Ngân hàng CSXH, đến tháng 9-2012, Đoàn thanh niên là đơn vị giải ngân nguồn vốn thấp nhất trong số các tổ chức đoàn thể (Hội Nông dân thành lập được 1.408 tổ vay vốn cho 35.668 hộ vay với tổng số dư nợ hơn 586 tỷ đồng; Hội Phụ nữ có 1.890 tổ vay vốn cho 55.734 hộ vay với tổng số dư nợ hơn 975 tỷ đồng). Mặt khác, số vốn được vay thông qua tổ chức đoàn tín chấp với Ngân hàng CSXH còn thấp so với nhu cầu thực tế. Mỗi hộ thanh niên vay theo chương trình giải quyết việc làm được vay từ 20-30 triệu đồng/dự án. Số tiền này chỉ phù hợp với những hộ có dự án phát triển kinh tế quy mô nhỏ, còn đối với những hộ sản xuất lớn thì lại quá thấp so với nhu cầu, nên nhiều hộ đã không vay. Ngoài nguồn vay tín chấp với Ngân hàng CSXH, các hộ thanh niên còn được vay vốn giải quyết việc làm theo kênh của Trung ương Đoàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 12 dự án của thanh niên được tiếp cận nguồn vốn này, với tổng dư nợ đạt hơn 800 triệu đồng. Nguồn vốn này chủ yếu cho các hộ thanh niên có nhu cầu xây dựng dự án phát triển kinh tế, được hội đồng thẩm định  thông qua mới có thể được vay. Theo quy định, với mức vay dưới 80 triệu đồng, Bí thư Tỉnh đoàn có thẩm quyền ký quyết định cho vay, còn trên 100 triệu đồng phải do Bí thư Trung ương Đoàn ký quyết định cho vay. Do thủ tục làm hồ sơ, khâu duyệt dự án, thẩm định dự án rất mất thời gian nên nhiều thanh niên cũng ngại tiếp cận nguồn vốn này.

Một trong những nguyên nhân khiến thanh niên nông thôn khó đến với nguồn vốn ưu đãi là do họ không có tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng theo nguyên tắc bảo đảm an toàn tín dụng. Nhiều thanh niên vẫn sống chung với gia đình nên chỉ có một người trong gia đình được đứng tên sổ vay vốn. Mặt khác, thanh niên là những người trẻ thường chưa có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư phát triển kinh tế, dễ xảy ra rủi ro trong quá trình đầu tư nên khó có thể trả nợ ngân hàng. Tổ chức đoàn cũng chưa tạo được lòng tin để được giao vốn vay. Hiện tại, các tổ chức đoàn thể khác đã thành lập được tổ vay vốn và đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả, nguồn vốn luôn luôn thiếu với các tổ vay vốn, chính vì vậy, rất khó để có thể thành lập thêm tổ vay vốn của thanh niên tại các địa phương này. Để giải quyết vấn đề này, theo Tỉnh đoàn, các tổ chức đoàn thể cần phải định hướng cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) phát triển mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện bản thân và địa phương. Bản thân các ĐVTN cũng cần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm đầu tư phát triển sản xuất.  Các tổ chức tín dụng cũng cần nâng mức vốn vay phát triển kinh tế, tạo điều kiện đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn cho thanh niên. Các cấp bộ đoàn có thể tìm thêm nhiều kênh, các hình thức vay vốn khác cho ĐVTN có nhu cầu được tiếp cận vốn đầu tư sản xuất.

TÂM PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh niên nông thôn khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi