Từ niềm đam mê tô tượng, thanh niên 9 X ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đã theo đuổi nghề đúc tượng, cung cấp đến thị trường nhiều mẫu tượng đẹp, bắt kịp xu thế của giới trẻ.
Anh Đỗ Văn Trung (sinh năm 1995) ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) bén duyên với nghề đúc tượng thạch cao cách đây khoảng 3 năm. Trước khi quyết định gắn bó với nghề đúc tượng, anh Trung đã được làm quen với bột, nước, khuôn đúc ngay từ khi còn nhỏ vì bố mẹ anh đã làm nghề này được 20 năm. Tuy nhiên, thời của bố mẹ anh chỉ đúc tượng danh nhân, lãnh tụ. Với mong muốn nối nghiệp gia đình, anh Trung đã tìm hiểu thị trường và quyết tâm theo đuổi.
Theo anh Trung, nhu cầu giải trí hiện nay rất lớn, những môn năng khiếu, hội họa cũng tiêu thụ nhiều sản phẩm tượng. Vì thế anh tập trung đúc các con vật, nhân vật trong truyện tranh, phim ảnh được yêu thích theo xu hướng của giới trẻ. Cũng nhờ đó khách hàng tiêu thụ đa dạng hơn trước, được nhiều khu vui chơi, lớp học năng khiếu, quán cà phê… đặt hàng. Thị trường tiêu thụ rộng hơn ở ngoài tỉnh. Sản phẩm bán chạy nhất vào mùa hè và mùa thu vì đây là thời điểm học sinh nghỉ học thường xuyên đến các khu vui chơi, giải trí, thích tô tượng. Trung bình mỗi tháng xưởng cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn tượng.
Để bắt kịp xu hướng, anh Trung thường xuyên cập nhật sở thích của giới trẻ thông qua mạng xã hội. Có lúc trẻ rất thích tô các nhân vật như: Son Goku (nhân vật trong truyện Bảy viên ngọc rồng), Doremon, Xuka (các nhân vật trong truyện Doraemon), lúc thì thích Melody, Kurumi, Hello Kitty (các nhân vật trong phim hoạt hình)… Những nhân vật mới phải có phôi tượng để làm khuôn nên anh Trung đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm để có những khuôn hình đẹp, khi tượng đúc lên phải bắt mắt và giống như trong phim, truyện. Có như vậy khách mới mua. Những tượng này không chỉ thu hút trẻ nhỏ từ 5- 6 tuổi mà nhiều thanh niên từ 15-20 tuổi cũng rất thích tô.
Ở TP Hải Dương có duy nhất một xưởng đúc tượng của gia đình anh Trung. Đến đây có khoảng 400 mẫu tượng, kích cỡ lớn nhỏ, khách hàng có thể lựa chọn theo ý thích. Có bức tượng trắng, mịn, sắc nét trong tay, người trẻ thỏa sức sáng tạo tô màu, làm bức tượng sống động như các nhân vật trong phim hoạt hình, truyện tranh. Đây là tượng thạch cao nên nhìn rất mịn, đẹp. Mỗi bức tượng đều phải trải qua các công đoạn như pha bột, tạo khuôn hình. Khi đúc sẽ đổ bột mịn đến từng chi tiết của khuôn để không bị lồi lõm. Tượng đúc xong phơi nắng thật khô, đông cứng lại rồi cắt gọt cho trơn tru. Loại tượng tô này bán buôn có giá thấp nhất từ 2.000 đồng/tượng đến cao nhất 15.000 đồng/tượng, bán lẻ từ 5.000 đồng-25.000 đồng/tượng. Mỗi tháng doanh thu của xưởng đạt khoảng 100 triệu đồng.
Xưởng đúc tượng của anh Trung đang tạo việc làm cho 5 người với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Trung nói: “Đây là nghề đòi hỏi chủ xưởng không ngừng đổi mới, sáng tạo và thiết kế khuôn đúc sao cho chuẩn hình. Ngoài học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tôi còn học một số lớp thiết kế để nâng cao chất lượng sản phẩm”, anh Trung nói.
Theo quan điểm của anh Trung, nếu như nghề đúc tượng trước đây chỉ được hiểu dành cho người lớn tuổi thì nay có rất nhiều người trẻ theo đuổi. Chỉ có người làm ra nó mới “cũ” dần theo năm tháng. Nghề nào cũng có những cái mới và khi chúng ta bắt kịp thời đại, thay đổi nghề theo trend thì nghề “già” sẽ thành “trẻ”. Thời gian tới, anh Trung tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, mở rộng xưởng sản xuất, tăng thêm thu nhập cho người lao động.
MINH NGUYÊN