Hiện nay, việc huy động nguồn vốn cho thanh niên phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều thanh niên không phải là chủ hộ nên không thể thế chấp tài sản để vay vốn
Mức vay thấpĐể lập nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, thanh niên rất cần vay vốn đầu tư. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu đi vay để phát triển kinh tế qua Ngân hàng Chính sách xã hội, thanh niên chỉ được vay tối đa 20 triệu đồng. Mức vay này quá thấp so với nhu cầu nên nhiều thanh niên đành phải huy động vốn từ các nguồn khác. Anh Vũ Văn Kỳ ở khu 6, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) là một trong nhiều thanh niên trên địa bàn phường có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Sau khi tìm hiểu các nguồn vốn vay, anh quyết định vay của người thân hơn là thông qua các dự án. Anh Kỳ cho biết: “Đầu năm 2015, tôi cùng với 2 người bạn góp vốn và vay mượn bạn bè hơn 300 triệu đồng để xây dựng xưởng, mua thiết bị làm nhôm kính. Nếu vay vốn ngân hàng chỉ được vài chục triệu đồng, không đủ tiền mua thiết bị, trong khi đó lãi suất lại không thấp, thủ tục thì rườm rà”.
Anh Bùi Văn Tình ở thôn Minh Tiến, xã Cẩm La (Kim Thành) là một trong số ít thanh niên lập nghiệp tại quê nhà với nghề nuôi thả cá. Anh Tình đã thuê diện tích mặt nước ở kênh An Kim Hải để thả cá trắm, trôi. Sau hơn 1 năm, mô hình này vẫn chưa đạt hiệu quả do thiếu vốn. Anh Tình cho biết: “Hiện tại, tôi mới đầu tư ban đầu được giống và quây lưới ngăn các ô nuôi, chưa tốn kém. Nếu để mô hình phát triển hơn, tôi cần có kinh phí làm kè một số bờ kênh, đầu tư hệ thống lọc nước thường xuyên cho cá… Nhưng nếu đầu tư như vậy thì phải mất vài trăm triệu đồng, trong khi không biết vay vốn ở đâu. Nếu vay theo phương pháp thông thường tại ngân hàng thì tôi không có đủ tài sản thế chấp”. Một trong những nguyên nhân khiến thanh niên khó tiếp cận nguồn vốn là nhiều người chưa phải là chủ hộ, không có quyền thế chấp tài sản để vay. Theo anh Bùi Quốc Trọng, Bí thư Đoàn xã Cẩm La, xã có gần 300 đoàn viên thanh niên, trong đó có 46 thanh niên làm kinh tế tại địa phương nhưng là những mô hình nhỏ, ít người đủ năng lực để mở rộng quy mô sản xuất. Nhiều người thường xuyên đi làm ăn xa cũng là một trong những khó khăn khiến thanh niên khó nắm bắt được chính sách hỗ trợ vốn.
Chương trình vay vốn Quỹ quốc gia của Trung ương Đoàn (nguồn vốn 120) triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 với kinh phí 805 triệu đồng, được cấp rải rác đến năm 2010. 5 năm trở lại đây, quỹ này không được cấp bổ sung. Do kinh phí được cấp ít, trong khi nhu cầu vay lại nhiều nên Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các Huyện đoàn, Thị đoàn, Thành đoàn rà soát mô hình kinh tế của thanh niên tại mỗi địa phương. Ai có nhu cầu vay vốn phải có đề án phát triển kinh tế, đủ tiềm lực để vay. Những người được vay vốn qua kênh này bảo đảm không phát sinh nợ xấu và phải hồi trả vốn trong vòng 24-36 tháng để quỹ luân chuyển cho người khác vay. Tuy nhiên, nhiều thanh niên không biết đến nguồn vốn này vì quy mô triển khai còn hạn chế. Do vậy, đến nay mới chỉ có gần 200 lượt thanh niên được vay vốn 120.
Gỡ khó thế nào?Theo Tỉnh đoàn, đến nay toàn tỉnh có gần 10.000 thanh niên vay vốn theo kênh của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ hơn 188 tỷ đồng thuộc nhiều chương trình khác nhau như vay xuất khẩu lao động, nước sạch, vệ sinh môi trường, hộ nghèo, cận nghèo... với hạn mức vay và lãi suất khác nhau, nhưng vốn được vay không nhiều. Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các địa phương thành lập các tổ vay vốn giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp, nhưng các tổ này hoạt động không đều và chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm. Thực tế, rất nhiều thanh niên có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế với quy mô lớn, nhưng điều kiện, thủ tục để được vay, nguồn vốn vay còn nhiều khó khăn, không đáp ứng nhu cầu. Nhiều thanh niên chưa tạo được độ tin cậy để được vay số vốn lớn.
Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp như tổ chức truyền thông, tư vấn, hỗ trợ thanh niên trong việc làm; tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm; nhận ủy thác hỗ trợ thanh niên vay vốn lập thân, lập nghiệp; vận động thanh niên tự tạo việc làm, tự giúp nhau lập nghiệp, góp vốn và liên kết trong sản xuất, kinh doanh... Chị Sái Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: Để thanh niên yên tâm phát triển kinh tế, thời gian tới, đề nghị các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc hỗ trợ thanh niên về vốn. Tỉnh cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích, giúp đỡ thanh niên có cơ hội sản xuất hiệu quả. Tỉnh đoàn tiếp tục đề nghị với Trung ương Đoàn cấp kinh phí bổ sung nguồn vốn 120 để thanh niên được vay nhiều hơn. Cán bộ đoàn cấp cơ sở cần chủ động tìm hiểu nguồn vốn vay để tuyên truyền, giúp thanh niên ở địa phương tiếp cận thông tin, nguồn vốn dễ dàng hơn. Bản thân thanh niên cần mạnh dạn, năng động hơn nữa trong phát triển kinh tế...
MINH NGUYỆT