Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2015-2020, huyện Thanh Miện đã đạt nhiều kết quả tích cực, diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt với nhiều gam màu tươi sáng.
Mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thuỷ canh tại xã Ngô Quyền
Bứt phá
Là huyện thuần nông, ít có nền tảng tạo đột phá nên Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ đặt mục tiêu đến năm 2020 có từ 50% số xã trở lên được công nhận đạt chuẩn NTM, không xác định thời gian huyện đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, không vì thế mà huyện lơ là nhiệm vụ này.
5 năm qua, với phương châm nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết, huyện đã huy động được hơn 2.800 tỷ đồng xây dựng NTM. Từ nguồn vốn này, huyện đã nâng cấp hơn 240 km đường nông thôn, kiên cố hóa gần 200 km kênh thủy lợi, xây nhiều trường học, nhà văn hóa, trạm y tế... Được đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân có điều kiện phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Huyện có 10 vùng nuôi thủy sản tập trung với diện tích gần 230 ha, cho hiệu quả kinh tế cao. 30 mô hình tích tụ ruộng đất đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung. Ngoài ra, huyện có hơn 50.000 m2 nhà màng, nhà lưới và 250 ha ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Từ địa phương có tiến độ xây dựng NTM chậm trong giai đoạn đầu, huyện đã bứt phá và đạt được kết quả nổi bật. Đến tháng 9.2019, 5 xã khó khăn nhất của huyện là Ngô Quyền, Tân Trào, Đoàn Kết, Lê Hồng, Tứ Cường cán đích NTM, cơ bản hoàn thành 9 tiêu chí NTM cấp huyện. Hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 48,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,33%.
Với quyết tâm cao, xã Đoàn Kết đã về đích NTM trước 1 năm so với mục tiêu đề ra. Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Ông Phạm Xuân Luân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Xây dựng NTM không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là nguyện vọng, mong mỏi chính đáng của nhân dân. Do vậy, người dân trong xã hăng hái đóng góp công sức, tiền của cùng chính quyền từng bước tháo gỡ vướng mắc, lần lượt hoàn thành các tiêu chí từ dễ đến khó. Từ khi xây dựng NTM đến nay, xã đã huy động người dân đóng góp khoảng 18 tỷ đồng. Vì vậy, dù có xuất phát điểm thấp nhưng địa phương vẫn về đích trước hẹn, góp phần để huyện sớm về đích huyện NTM.
Không thỏa mãn
Về đích NTM sớm nhưng huyện Thanh Miện vẫn không bằng lòng với kết quả đạt được. Trên tinh thần xây dựng NTM không có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, huyện tiếp tục phấn đấu, tô thêm những gam màu sáng cho bức tranh NTM. Thời gian tới, huyện hướng tới xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; phát triển văn hóa truyền thống song song với xây dựng đời sống văn hóa mới...
Thực hiện định hướng trên, giải pháp của huyện là duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Trong đó, tập trung cho tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Huyện xác định đây là tiêu chí nền tảng để triển khai những tiêu chí khác vì chỉ có khai thác, huy động nguồn nội lực mới có thể thực hiện phong trào bền vững, lâu dài. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, từ 2-3 xã được công nhận NTM kiểu mẫu, các xã còn lại đạt 80% số tiêu chí NTM nâng cao trở lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 95 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5%.
Theo ông Nhữ Văn Cúc, Chủ tịch UBND huyện, kết quả xây dựng NTM trong giai đoạn 2015-2020 ngoài những giá trị thực tế còn có ý nghĩa về mặt tinh thần. Bộ mặt làng quê thay da đổi thịt, người dân được hưởng thành quả nên càng tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền. Đây chính là động lực để huyện tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên con đường xây dựng NTM trong những giai đoạn tiếp theo.
PV