Sau Tết, nhiều người dân ở khu Hà Đông (Thanh Hà) đã giải ngán bằng cách nấu canh chua mồng tơi với cá rô đồng. Đây là món canh dễ ăn, dễ nấu nhưng ít vùng có.
Đặc trưng của khu Hà Đông
Cứ dịp Tết là nhà nào nhà đấy mâm cao cỗ đầy, nhiều nhà thịt để chật tủ lạnh, bữa cơm không thịt gà thì thịt bò, thịt lợn… Tết xong có người béo lên vài cân, nhiều người sợ, ngán đồ ăn.
Ở khu Hà Đông (Thanh Hà), món canh chua mồng tơi nấu với cá rô đồng vốn là thức ăn của người nghèo nay thành món chống ngán sau Tết với người dân ở đây.
Chị Phan Thị Hiền làm dâu ở xã Thanh Quang (Thanh Hà) mới biết ở đây có món canh chua thanh mát này. Nhớ lại cảm giác lần đầu tiên ăn món canh này, chị Hiền tưởng như không ăn được vì trong tiềm thức của chị, mồng tơi thường nấu với cua đồng, còn cá rô thì nấu với rau cải. Thế nhưng sau lần đầu thưởng thức, chị thành “nghiện” vì cá không hề tanh nếu được sơ chế đúng cách. Mồng tơi có tính mát, cá rô đồng thì ngọt, bổ khí huyết, rất tốt cho người có cơ thể suy nhược, ăn uống không tiêu. Món canh này khi nấu kết hợp với me, khế hoặc lá tầm bỏi sẽ cho vị chua lạ, mà ăn rồi chỉ muốn ăn thêm. Đó chính là nét đặc trưng của món canh chua mồng tơi nấu cá rô đồng. Món ăn này cũng đã trở thành món ăn hằng ngày của gia đình chị Hiền. “Dù phổ biến nhưng gần 20 ngày chưa được ăn món này vì Tết nhất, cỗ bàn liên miên nên sau Tết tôi phải nấu ngay một bát canh cho cả nhà cùng ăn để đánh bay vị ngán”, chị Hiền nói.
Món ăn này có nhiều nhất ở xã Vĩnh Lập (Thanh Hà). Vĩnh Lập được bao bọc bởi sông nước, dễ bắt cá. Theo một số cụ cao niên trong xã, trước đây Vĩnh Lập nghèo khó, quanh năm người dân chỉ sống dựa vào nguồn tôm cá bắt được từ sông. Cũng từ đó, nhiều món ăn dân dã hình thành. Món canh cua mồng tơi không còn xa lạ với nhân dân trong vùng nên nhiều người đã thử tìm cách nấu mồng tơi với cá và thêm một số gia vị khác. Ban đầu có người kết hợp với cá trắm, cá mè, cá chép nhưng khi nấu có vị tanh và không ngọt bằng nấu với cá rô đồng. Thế nên, cho đến tận sau này, nhiều người đi xa quê hương về vẫn muốn mua bằng được cá rô đồng để nấu một bát canh mồng tơi, thưởng thức nó như một món ăn truyền thống của quê hương và gợi lại ký ức thời thơ bé.
Không cầu kỳ nhưng phải đủ nguyên liệu
Nấu món canh mồng tơi cá rô đồng không cầu kỳ như nhiều món ăn khác. Nguyên liệu chỉ cần có rau mồng tơi, cá rô đồng, ớt và thứ không thể thiếu là me, khế hoặc tầm bỏi. Chỉ cần thiếu một trong những nguyên liệu đó, bát canh không còn thơm ngon nữa. Điều đặc biệt là rau mồng tơi nấu món canh này không phải là những ngọn non mơn mởn mà phải là cuộng rau hoặc phần gần gốc của cây rau mồng tơi. Nhưng phải chọn cây cứng, giòn chứ không dai. Vì loại này không có nhiều nhớt, khi đun lâu không bị nát hoặc nồng, khi ăn thì rau giòn, bùi.
Cá rô đồng luộc lấy nước để nấu canh, phần thịt cá gỡ bỏ xương sau đó cho vào áp chảo qua để không còn vị tanh. Nước cá sau khi đun sôi cho cá vào ninh khoảng 15 phút cho thịt cá mềm, ngọt nước, nêm gia vị. Vị chua thì có người thích me, khế, nhiều người thích lá tầm bỏi vì có vị chua thanh mát và thơm. Nếu là me thì luộc chín rồi vớt phần thịt me dầm lọc lấy nước chua. Khế thì luộc chín dầm nhuyễn lọc nước. Còn lá tầm bỏi thì nấu cùng nước cá, sau đó bỏ cọng lá. Sau khi thấy đủ chua thì cho phần cuống rau vào trước, đun khoảng 5 phút sau sẽ cho phần lá vào cho canh sôi khoảng 2 phút thì tắt lửa là được món canh chua mồng tơi nấu cá rô đồng thơm ngon, bổ dưỡng, thanh mát.
Món canh này nấu mùa đông thì cho thêm chút ớt khi ăn sẽ ấm nóng, còn mùa hè thì ăn nguội chút vẫn ngon tuyệt. Người dân khu Hà Đông còn gọi món này là canh xáo mà ai cũng biết. Nhưng không phải ai cũng biết nấu món ăn này, chỉ những người gốc ở khu Hà Đông nấu mới ngon và có hương vị đặc biệt. Có những người cũng áp dụng đúng công thức nhưng không nấu ngon bằng.
Món canh này khi bắc xuống ăn cùng với thịt rang cháy cạnh hoặc giò rim nước mắm rất tốn cơm. Thưởng thức món này, chúng ta sẽ không còn cảm giác ngán ngẩm với thực phẩm Tết.
MINH NGUYÊN