Năm nay, người trồng chuối Tết ở xã Thanh Khê (Thanh Hà) rất phấn khởi vì các vườn đều cho năng suất cao, mã đẹp nên được giá hơn so với những năm trước.
Năm nay, gia đình ông Xanh thu lãi gần 200 triệu đồng từ chuối Tết
Giá cao
Về Thanh Khê, chạm vào mắt chúng tôi là những vườn chuối xanh ngắt một màu, buồng nào cũng đều quả, đẹp mã. Người dân trong xã cho biết những vườn chuối này đã có thương lái đặt cọc hết. Năm nay, nhà ông Trần Văn Xanh ở thôn An Lão có 500 buồng chuối bán Tết, khoảng 15 tấn, tăng 5 tấn so với năm ngoái. Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch đã có thương lái đến nhà ông Xanh đặt cọc mua cả vườn chuối. Giá bán tại vườn là 400.000 đồng/buồng, cao hơn năm trước từ 30.000-40.000 đồng/buồng. Năm nay, gia đình ông Xanh thu được nhiều chuối nhất từ trước đến nay và cũng là năm được giá hơn cả. Tính ra ông Xanh thu lãi gần 200 triệu đồng từ chuối Tết. Ông Xanh cho biết: "Trồng chuối bán Tết không lo bị lỗ. Năm nào cũng có thương lái các nơi đến thu mua từ rất sớm. Chuối Tết Thanh Khê được thương lái mang đi tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng". Gia đình ông Bùi Văn Hải ở thôn Xuân An cũng có hơn 100buồng chuối bán Tết được thương lái đến mua từ trước. Theo ông Hải, chuối bán ở vườn thì 400.000 đồng/buồng nhưng gần Tết thương lái bán ra thị trường phải từ 500.000-700.000 đồng một buồng chuối đẹp.
Kỳ công chăm sóc
Để có những buồng chuối đẹp bán đúng dịp Tết, người dân xã Thanh Khê đã chắt chiu nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Mỗi cây chuối chỉ cho ra một buồng, nếu chăm sóc không tốt chuối sẽ trổ buồng sớm, cho thu hoạch trước Tết hoặc chất lượng thấp. Năm 2017 mưa nhiều, thời tiết không thuận lợi, một số nơi ở các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, TP Hải Phòng mất mùa chuối Tết nhưng ở Thanh Khê nông dân vẫn bội thu.
Theo kinh nghiệm của ông Xanh, sau khi thu hoạch chuối xong, gia đình ông tập trung đốn cây, dọn vườn, đảo đất, đến rằm tháng 2 âm lịch trồng cây chuối mới. Đồng đất Thanh Khê màu mỡ, tơi xốp nên cây chuối phát triển tốt. Người trồng chuối vất vả nhất vào dịp tháng 7, tháng8 khi mùa bão về. Gia đình ông Xanh cũng như nhiều nhà khác trong xã phải chằng chống rất cẩn thận. Khi cây chuối trổ buồng, ông bọc nilon và bao che cho quả đỡ bị rám, muội, giữ mã đẹp đến khi thu hoạch. Cây chuối rất ưa bón phân gà nên nhà ông Xanh và nhiều hộ khác đã đặt mua phân gà từ các trang trại chăn nuôi chở về chăm bón cho cây. Quá trình trồng, ông Xanh luôn chú ý đến thời tiết. Nếu mưa nhiều ông không bón phân, tưới đạm để cho cây phát triển tự nhiên, khi thời tiết ổn định lại tiếp tục chăm sóc nhiều hơn.
Theo kinh nghiệm của nhiều người Thanh Khê, ngày Tết thị trường tiêu thụ chuối lùn nhiều hơn chuối tây vì tượng trưng cho sự đủ đầy, thịnh vượng, khi sắp mâm ngũ quả cũng đẹp hơn loại chuối khác. Do vậy, các vườn ở Thanh Khê cũng chủ yếu trồng chuối lùn. Nhờ có kinh nghiệm trồng chuối Tết nhiều năm nên nông dân xã Thanh Khê chưa bao giờ thua lỗ. Năm 2017, nông dân xã Thanh Khê đã mở rộng thêm 10 ha trồng chuối bán Tết. Đến nay, xã có 36 ha trồng chuối Tết, tổng sản lượng hơn 2.000 tấn, tăng khoảng 300 tấn so với năm trước.
Tháng 9.2017, huyện Thanh Hà đã áp dụng quy trình VietGAP vào 14 ha chuối tại bãi đầm xã Thanh Khê. Là một trong số 67hộ tham gia mô hình sản xuất chuối theo quy trình VietGAP, chị Phạm Thị Hồng ở thôn Xuân An cho biết: "Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ một phần thuốc bảo vệ thực vật, được hướng dẫn chăm sóc chuối theo đúng quy trình VietGAP. Do vậy chuối xanh quả, đẹp hơn chuối ngoài vùng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm". Ông Đặng Văn Khái, Chủ tịch UBND xã Thanh Khê khẳng định thời gian tới xã tiếp tục tuyên truyền để nông dân nhân rộng diện tích trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn.
MINH NGUYỆT