Giáo dục

Thanh Hà thay "áo mới” cho những ngôi trường cũ

MINH NGUYÊN 06/01/2024 09:20

Những ngôi trường cũ, xuống cấp ở Thanh Hà được thay "áo mới”, tạo khí thế vui vẻ cho học sinh, giáo viên khi bước sang năm mới.

img_7259(1).jpg
Cô trò Trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà vui mừng vì có phòng học mới

Háo hức với phòng học mới

Em Nguyễn Ngân Khánh, lớp 5A, Trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà cho biết: “Chúng em rất vui vì được học ở phòng mới khang trang, sạch sẽ”.

Năm học trước, Khánh và nhiều bạn cùng khối phải đi học nhờ Trường Mầm non thị trấn Thanh Hà. Điều kiện cơ sở vật chất lúc đó còn khó khăn, phòng học thiếu thốn. Thế nhưng, thầy cô và học sinh của trường đã khắc phục những khó khăn này, chờ đợi dãy phòng mới từng ngày hoàn thiện, đưa vào sử dụng.

Cô giáo Lê Thị Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà cho biết dãy nhà 3 tầng 15 phòng học được xây từ cuối năm 2021 nhưng chậm tiến độ. Tuy nhiên, đến nay đã hoàn thiện và đưa sử dụng là niềm vui lớn đối với giáo viên và học sinh. “Chúng tôi tin rằng với cơ sở vật chất đầy đủ, chất lượng học tập của trường sẽ được nâng lên”, cô Chính nói.

Không chỉ có phòng học mới, ngôi trường như được thay "áo mới” vì các hạng mục như tường bao, sân trải nghiệm, nhà xe, nhà vệ sinh cũng được xây dựng.

Chỉ còn vài ngày nữa khi bước sang học kỳ 2 của năm học 2023-2024, dãy nhà 3 tầng 9 phòng học của Trường THCS Chu Văn An cũng sẽ đưa vào sử dụng. Thầy giáo Lương Ngọc Quý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết mặc dù là trường chất lượng cao của huyện nhưng trước đây bị thiếu toàn bộ phòng học bộ môn nên trong quá trình giảng dạy thầy và trò gặp nhiều khó khăn. Nay có phòng học mới, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh sẽ phát huy tốt hơn tinh thần học tập, giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục.

img_7253(1).jpg
Học sinh phấn khởi khi có phòng học mới

Trường THCS Hồng Lạc cũng đang chuẩn bị đưa công trình nhà lớp học và nhà đa năng vào sử dụng. Công trình có tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng, đến nay cơ bản hoàn thành. Ngoài ra, nhiều trường học ở một số xã như An Phượng, Thanh Xuân, Vĩnh Lập cũng đang được đầu tư, xây mới phòng học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong huyện. Đây là nét nổi bật của huyện Thanh Hà trong năm 2023. Hầu hết những trường khó khăn về cơ sở vật chất đã được quan tâm, khắc phục.

Ưu tiên đầu tư cho giáo dục

Đến hết năm 2023, tỷ lệ phòng học kiên cố bậc mầm non trong huyện Thanh Hà đạt 99,02%; tiểu học đạt 98,97%; THCS đạt 98,42%. Trong năm qua, các xã, thị trấn và huyện Thanh Hà đầu tư khoảng 70 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường học. Toàn huyện hiện có 60/61 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 98,3%, cao hơn mặt bằng chung của tỉnh.

img_7260(1).jpg
Năm 2023, huyện Thanh Hà và các xã, thị trấn đã đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường học

Mặc dù trong năm 2023, các xã, thị trấn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, nhất là nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, nên nhiều nơi chậm tiến độ xây dựng. Tuy nhiên, xác định đầu tư cho giáo dục là mục tiêu quan trọng hàng đầu, cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Hà đã tích cực chỉ đạo các xã rà soát, báo cáo phòng học không bảo đảm, xuống cấp để xem xét, đầu tư.

Nhiều xã đã dừng lại một số hạng mục chưa cấp bách để ưu tiên xây dựng phòng học. Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc Nguyễn Trọng Long cho biết công trình nhà lớp học và nhà đa năng Trường THCS xã Hồng Lạc chuẩn bị đưa vào sử dụng có tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Năm 2023, kinh tế địa phương rất khó khăn nên đã phải tận dụng nguồn sẵn có từ những năm trước, chi tiêu tiết kiệm, hạn chế một số công trình chưa cấp bách. Hiện nay, nội thất phòng học còn thiếu, xã tiếp tục vận động nguồn xã hội hóa để bổ sung, hoàn thiện khi bước sang kỳ 2 của năm học này.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Hà Trần Duy Thược, năm 2023 ngành giáo dục huyện đã tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương thực hiện tốt Đề án “Xây dựng, bổ sung phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025”. Các trường tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Hiện nay, một số trường như Tiểu học Thanh Xuân, THCS Vĩnh Lập đã có chủ trương đầu tư xây dựng và sớm thực hiện trong năm nay. Các địa phương đã tích cực rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất trường học. Những trường nào khó khăn sẽ được ưu tiên xây dựng trước.

MINH NGUYÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hà thay "áo mới” cho những ngôi trường cũ