Y tế - Sức khỏe

Thành công trong chống dịch Covid-19 thể hiện tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

Theo TTXVN-HD 29/10/2023 10:50

Sáng 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19

Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự Hội nghị có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; các Phó Thủ tướngLê Minh Khái, Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Bí thư các tỉnh, thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.

Hội nghị tập trung đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, ngành, địa phương trong phòng, chống dịch. Trong đó, tập trung đánh giá kết quả đã đạt được; cách làm hay, phong trào, mô hình hiệu quả trong phòng, chống dịch; phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đúc rút trong phòng, chống dịch để ứng phó tốt hơn với những sự kiện khẩn cấp y tế cộng đồng; đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế-xã hội.

Thắng lợi của nhân dân, dưới sự lãnh đạo kịp thời của Đảng

Hội nghị đánh giá, COVID-19 là đại dịch có quy mô toàn cầu, chưa từng có trong lịch sử, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Trước yêu cầu cấp bách bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, với các quyết sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp với diễn biến từng giai đoạn của dịch bệnh, trong thời gian ngắn đã làm chậm sự lây lan, ngăn chặn sự bùng phát và từng bước đẩy lùi được dịch bệnh. Hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát trên cả nước. Các tầng lớp nhân dân tin tưởng, đồng lòng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch.

Kết quả đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19 đã góp phần quan trọng và tạo thuận lợi cho kinh tế xã hội phục hồi, khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng đang ở mức cao; tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02% (cao nhất trong 12 năm), quý III năm 2023 đạt 5,33% và tính chung 9 tháng của năm 2023 đạt 4,24%. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển; an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực.

Bên cạnh đó, an sinh xã hội được quan tâm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới để phát triển đất nước, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới; giá trị thương hiệu quốc gia đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nêu bật kết quả phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương như: Đảm bảo an ninh, trật tự, triển khai nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phòng, chống dịch của Bộ Công an; huy lực lực lượng xã hội và thực hiện chính sách an sinh xã hội của Bộ Quốc phòng; vận động và huy động xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam; truyền thông của các cơ quan báo chí, truyền thông…

Chú thích ảnh
Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19

Đại diện các bộ, ngành, địa phương nêu bật nhiều mô hình, chương trình, phong trào, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đó là các mô hình: Tổ COVID-19 cộng đồng, Trạm Y tế lưu động, “Tháp 3 tầng” phân tầng điều trị, Hỗ trợ tư vấn từ xa, Xét nghiệm sàng lọc cho lái xe luồng xanh, Tiếng loa Biên phòng và một số chương trình, phong trào tại cộng đồng như: “Gian hàng 0 đồng”, chương trình “Đi chợ thay - Đi chợ giúp dân”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “ATM gạo”, “ATM oxy”, “Xe cứu thương miễn phí”, “Quán cơm thiện nguyện”...

Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của nước ta; cách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia trong phòng, chống dịch bệnh. Đại diện WHO chỉ rõ 6 bài học, yếu tố mà Việt Nam đã thực hiện hiệu quả để thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 để đến nay được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Trong đó, Việt Nam có năng lực tốt trong phát hiện, truy vết, khoanh vùng, dập dịch; thực hiện đóng cửa biên giới, phong tỏa các điểm dịch phù hợp; có hệ thống và đội ngũ y tế tận tâm; sáng suốt thực hiện chiến lược vaccine thần tốc; có sự tham gia tích cực của cả cộng đồng; đặc biệt có sự quyết đoán, tận tâm của lãnh đạo Chính phủ trong phòng, chống dịch.

Điểm lại những khoảnh khắc không thể nào quên trong giai đoạn đầy cam go của cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19; những tháng ngày đầy cảm xúc, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả những sự hy sinh, mất mát của đồng bào, đồng chí cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giai đoạn chiến đấu với dịch bệnh chính là thước đo của bài học "lửa thử vàng, gian nan thử sức", thể hiện tinh thần "đoàn kết, tương thân, tương ái" và lòng yêu nước của cả dân tộc.

Nêu bật các kết quả, những tồn tại, hạn chế và bài học kịnh nghiệm, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả vì có tư duy, phương pháp luận đúng là “đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết; lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ; chiến thắng đại dịch là chiến thắng của nhân dân”.

Thủ tướng khẳng định, thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 là nhờ sự lãnh đạo kịp thời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị mà thường xuyên, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia; sự đồng hành của Chủ tịch nước, Quốc hội, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thống nhất của chính quyền các cấp; đặc biệt là sự ủng hộ, tin tưởng, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, Thủ tướng khẳng định.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao các cấp, các ngành, các địa phương, các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và địa phương; đặc biệt cảm ơn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sỹ bộ đội, công an và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống đại dịch COVID-19.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, tri ân tất cả sự đóng góp ý nghĩa, cao cả của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, chia sẻ, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của họ và các lực lượng tuyến đầu trong thời gian vừa qua.

Nhân dịp này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia trân trọng cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của nhân dân, chính phủ các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam trong cuộc chiến đấu cam go với dịch bệnh.

Chuẩn bị năng lực y tế, sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trong mọi tình huống

Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm đúc kết, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, nhất là Bộ Y tế tiếp tục phối hợp, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tháo gỡ khó khăn vướng mắc còn tồn tại trong công tác phòng, chống dịch; tập trung khắc phục bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế... trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp.

_mg_0254-2-.jpg
Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương

Cùng với đó, ngành y tế tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao năng lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ cần nghiên cứu, đề xuất, thiết lập cơ chế, tổ chức phòng, chống đại dịch tại các tuyến, đảm bảo việc huy động, quản lý, điều phối, sử dụng tối đa nguồn lực; xây dựng Kế hoạch quốc gia ứng phó với đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai.

Cùng với đó, ngành y tế tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao năng lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ cần nghiên cứu, đề xuất, thiết lập cơ chế, tổ chức phòng, chống đại dịch tại các tuyến, đảm bảo việc huy động, quản lý, điều phối, sử dụng tối đa nguồn lực; xây dựng Kế hoạch quốc gia ứng phó với đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và địa phương đổi mới chính sách, phương thức đào tạo nhân lực y tế, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực phục vụ phòng, chống dịch; bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là cán bộ trạm y tế xã, y tế thôn bản và cán bộ y tế tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số.

Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và triển khai thực hiện chính sách bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc; khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và lĩnh vực y tế dự phòng.

Thủ tướng chỉ đạo, thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược trong nước, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế, y học cổ truyền trong nước để chủ động trong công tác phòng, chống dịch và phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông quản lý và sử dụng dữ liệu y tế hỗ trợ việc phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh nói riêng và quản lý nhà nước về y tế nói chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh có thể còn kéo dài, ổn định đời sống nhân dân, nhất là với những người chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là trẻ em mồ côi, không để các em tiếp tục tổn thương về tinh thần, thiết hụt về vật chất. Các bên liên quan tiếp tục hoàn thành xử lý những vấn đề tồn đọng, liên quan phòng, chống dịch thời gian qua, xử lý các chính sách theo thẩm quyền khi chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; đẩy mạnh tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành việc tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Thủ tướng khẳng định, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Ban Chỉ đạo các cấp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó và kết thúc nhiệm vụ.

Theo TTXVN-HD
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành công trong chống dịch Covid-19 thể hiện tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam