Thăng Long - Hà Nội trở thành mảnh đất với thế "rồng cuộn hổ ngồi" từ thuở Lý Thái Tổ chọn nơi hùng thiêng này để dựng nghiệp nhà Lý.
Trong thời gian gần đây, Nguyễn Việt Chiến nổi lên như một nhà thơ viết rất hay về các đề tài Tổ quốc - đất nước, biển đảo - người lính. Phần lớn thơ của tác giả không mới về vóc dáng câu thơ (thường là 7 chữ, 8 chữ...), nhưng giọng điệu lại cuốn hút và mê hoặc người đọc một cách mãnh liệt. Các bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển, Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra... mang giọng thơ hào sảng, chất ngất khí thế anh hùng của một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục trước ngoại xâm. Thăng Long sử thi là một bài thơ dài, mang dáng dấp của một tiểu trường ca. Tác phẩm ca ngợi mảnh đất Thăng Long - Hà Nội trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đoạn thơ tôi có ý trích trên đây chỉ là phần tác giả tái hiện lại một hình ảnh Thăng Long - Hà Nội kể từ khi Lý Thái Tổ chọn đất đóng đô và dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình về Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Bằng giọng thơ hùng tráng và hào sảng, cảm xúc bung vỡ, dâng trào mãnh liệt, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã khiến người đọc rất cảm động, tự hào về một Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, trải qua nhiều cuộc chiến chinh mà vẫn hiên ngang và vẹn nguyên hào khí thuở Tiên Rồng.
Thăng Long - Hà Nội trở thành mảnh đất với thế "rồng cuộn hổ ngồi" từ thuở Lý Thái Tổ chọn nơi hùng thiêng này để dựng nghiệp nhà Lý. Tái hiện lại khoảnh khắc lịch sử trang nghiêm và hào hùng với một sắc thái hoài cổ, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã khiến người đọc bồi hồi xúc động. Thăng Long là "thắng địa", là kinh đô của muôn đời sau qua cái nhìn đầy chiến lược của vị vua anh minh Lý Công Uẩn: Ngàn năm cũ Chiếu dời đô người thảo/ Chọn Thăng Long thế rồng cuộn hổ ngồi/ Nơi thắng địa ta nhìn sông tựa núi/ Đặt kinh đô cho con cháu muôn đời.
Từ đó đến nay, trải qua hàng nghìn năm đánh giặc giữ nước, Thăng Long - Hà Nội đã vang dội nhiều chiến công oanh liệt. Vào thế kỷ XI, quân dân ta đã chống lại quân xâm lược nhà Tống khi Lý Thường Kiệt đắp phòng tuyến sông Như Nguyệt và đọc vang bài thơ Thần bất tử. Bài thơ có sức lay động lạ thường, cổ vũ chiến sĩ tiến lên đuổi giặc, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc muôn đời: Còn vang bóng suốt ngàn năm quật khởi/ Bản tuyên ngôn trên chiến lũy sông Cầu/ Lý Thường Kiệt ngâm bài thơ đuổi giặc/ Núi sông này có chủ đã từ lâu.
Tiếp nối chiến công hào hùng của anh hùng Lý Thường Kiệt, mạch cảm xúc bài thơ dường như dâng cao hơn, càng về sau càng trào sôi cháy bỏng. Hình tượng thơ liên tục xuất hiện bất ngờ mà vẫn logic với lịch sử. Ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông là ba lần vang danh nước non Đại Việt. Tự hào với quá khứ oai hùng ấy, nhà thơ đã viết những câu thơ gan ruột, thấm thía, đầy cảm xúc tự hào: Thăng Long hỡi khi ba lần giặc đến/ Hàm Tử Quan dậy sóng rửa máu thù/Đánh cho khiếp trống đồng rung bạc tóc/ Bạch Đằng Giang cuồn cuộn đến bây giờ.
Đến thế kỷ XV, với chiến thắng Lam Sơn, Lê Lợi đã đánh tan giặc Minh và mở đầu cho triều đại nhà Lê rực rỡ. Cảm xúc thơ, hình tượng thơ, nhất là giọng điệu thơ đến đây tràn đầy khí thế, nhà thơ viết mà như nhập hồn vào chiến thắng cha ông để say mê, náo nức cùng niềm vui thắng lợi: Thuở Lê Lợi dấy binh đòi lại nước/ Trúc Lam Sơn cũng nhọn hoắt tên đồng/ Nhìn vó ngựa giặc tràn lên Ải Bắc/ Núi non mình đâu cũng thấy Chi Lăng.
Thế kỷ XVIII, thêm một lần nữa khi vua Quang Trung đánh tan hai mươi vạn quân Thanh xâm lược vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789 mãi mãi đi vào bất tử. Đến đây, lấy từ điển tích cành đào Nguyễn Huệ gửi tặng công chúa Ngọc Hân vào dịp xuân về, Nguyễn Việt Chiến đã xây dựng một hình tượng thơ vừa trang trọng, lộng lẫy mang vẻ đẹp sử thi; vừa mang nét đẹp tình yêu đôi lứa trong cuộc sống đời thường, nhất là cảm xúc rất lãng mạn về mối tình giữa Ngọc Hân công chúa và người anh hùng đất võ Tây Sơn: Thăng Long gọi mùa hoa đào thắng trận/ Tết Quang Trung hỏa hổ đốt Ngọc Hồi/ Bầy voi chiến cùng mở đường xung trận/ Vạn giặc thù tan tác phía hoa rơi.
Khép lại những trang sử hào hùng đánh giặc giữ nước của các thế hệ cha ông ngày trước, nhà thơ chuyển tiếp mạch cảm xúc để viết về một Hà Nội hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp trong thời đại Hồ Chí Minh. Chất ngất tự hào về những ngày khói lửa chiến tranh khi Thủ đô Hà Nội cầm chân kẻ địch, cả trung đoàn sẵn sàng "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh": Đêm Hà Nội xẻ mình làm chiến lũy/ Cả trung đoàn quyết tử giữ Thủ đô/ Thắng giặc Pháp, các anh về trở lại/ Một rừng cờ xòe năm phía cửa ô.
Nối tiếp chiến công hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp làm "chấn động địa cầu", trận Điện Biên Phủ trên không giữa lòng Hà Nội được tác giả biểu đạt bằng những câu thơ hừng hực lửa cháy, khí thế ngợp trời và quyết liệt bằng một giọng thơ hào sảng, hình tượng thơ nhờ đó mang đậm vẻ đẹp bi tráng: Đêm một chạp dưới mưa bom rải thảm/ Đất Rồng bay nổi lửa quét giặc thù/ Hà Nội đánh pháo đài bay tan xác/ Sóng sông Hồng lại cuộn đỏ trong thơ.
Khép lại bài thơ là một Thăng Long - Hà Nội trải qua ngàn năm chiến chinh mà vẫn hiên ngang lẫm liệt, nguyên vẹn hùng khí thuở nào. Các từ ngữ "ngàn năm trước", "ngàn năm sau", "dựng Hoàng thành", "dựng hùng khí"... một lần nữa nhấn mạnh sự nối tiếp muôn đời của các thế hệ cháu con với tiền nhân đi trước.
Thăng Long sử thi được nhà thơ Nguyễn Việt Chiến viết nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và được trao giải thưởng trong cuộc thi thơ năm 2010. Bài thơ là khúc tráng ca đầy hào khí, ca ngợi hình tượng Thủ đô của non sông nước Việt. Với giọng điệu thiết tha mãnh liệt, cảm xúc chân thành, nhà thơ đã bộc lộ một tình yêu lớn lao với mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến - một Thủ đô hòa bình, thịnh vượng trong thời đại Hồ Chí Minh.
LÊ THÀNH VĂN
Thăng Long sử thi (Trích) ... Ngàn năm cũ Chiếu dời đô người thảoChọn Thăng Long thế rồng cuộn hổ ngồi Nơi thắng địa ta nhìn sông tựa núi Đặt kinh đô cho con cháu muôn đời Ngàn năm trước Hoàng thành vừa khởi dựng Điện Càn Nguyên tọa trên đỉnh núi Nùng Lý Thái Tổ thiết triều trong gió sớm Tiếng chuông chùa Trấn Quốc đọng thành sương Còn vang bóng suốt ngàn năm quật khởi Bản tuyên ngôn trên chiến lũy sông Cầu Lý Thường Kiệt ngâm bài thơ đuổi giặc Núi sông này có chủ đã từ lâu Thuở giặc đến Thăng Long thành chiến địa Đông Bộ Đầu khói lửa ngút trời mây Tiếng Sát Thát giục hùng binh xung trận Hưng Đạo Vương truyền hịch giữa đêm dày Thăng Long hỡi khi ba lần giặc đến Hàm Tử Quan dậy sóng rửa máu thù Đánh cho khiếp trống đồng rung bạc tóc Bạch Đằng Giang cuồn cuộn đến bây giờ Thuở Lê Lợi dấy binh đòi lại nước Trúc Lam Sơn cũng nhọn hoắt tên đồng Nhìn vó ngựa giặc tràn lên Ải Bắc Núi non mình đâu cũng thấy Chi Lăng Thăng Long gọi mùa hoa đào thắng trận Tết Quang Trung hỏa hổ đốt Ngọc Hồi Bầy voi chiến cùng mở đường xung trận Vạn giặc thù tan tác phía hoa rơi Đêm Hà Nội xẻ mình làm chiến lũy Cả trung đoàn quyết tử giữ Thủ đô Thắng giặc Pháp, các anh về trở lại Một rừng cờ xòe năm phía cửa ô Đêm một chạp dưới mưa bom rải thảm Đất Rồng bay nổi lửa quét giặc thù Hà Nội đánh pháo đài bay tan xác Sóng sông Hồng lại cuộn đỏ trong thơ Ngàn năm trước cha ông đi mở nước Dựng Hoàng thành dựng hùng khí Thăng Long Ngàn năm sau cháu con đi giữ nước Vẫn còn nguyên hùng khí thuở Tiên Rồng. NGUYỄN VIỆT CHIẾN |