Theo truyền thống, tháng bảy âm lịch với lễ Vu Lan được biết đến như một tháng thể hiện lòng biết ơn đấng sinh thành, biết ơn tổ tiên.
Lễ Vu lan
Có thể nói đây là tháng biểu hiện tập trung nhất của tín ngưỡng thờ cúng ông bà và đạo hiếu với cha mẹ của người Việt.
Trong truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, việc báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ là một trong “Tứ trọng ân” quan trọng nhất. Ngày lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo đã trở thành một ngày lễ mang đậm nét nhân văn, ngày càng được tô bồi đẹp đẽ, làm sáng hơn đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Lễ Vu lan là một hình thức biểu hiện cụ thể của triết lý nhân sinh Phật giáo, có ý nghĩa giáo dục to lớn trong mọi thời đại. Lễ Vu lan đã góp phần tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, lòng yêu nước, tính cộng đồng...
Từ tấm gương hiếu hạnh của Bồ Tát mục Kiền Liên, Lễ Vu Lan ra đời và trở thành ngày lễ lớn của Phật giáo ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á.
Khi du nhập vào nước ta, tư tưởng, triết lý của Phật giáo đã có nhiều ảnh hưởng, tác động đến đời sống, tín ngưỡng cũng như phong tục tập quán văn hóa của người Việt. Lễ Vu Lan được nâng lên một ý tầng ý nghĩa cao hơn, đó còn là ngày “Báo ân-Báo hiếu”. Trước hết là báo hiếu-báo ân đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, hai là đối với người thày dậy dỗ, ba là đối với những người đã bảo vệ cuộc sống an lành cho mình và những người đó đã phải hy sinh, hoặc những người làm ra của cải vật chất để nuôi sống mình và bốn là đối với quốc gia-xã hội cái nôi nuôi dưỡng mình.
Vào ngày 15-7 âm lịch, mọi nhà đều chuẩn bị mâm cơm tươm tất dâng lên cửa Phật, thần linh, gia tiên để tỏ lòng thành. Với những người còn cha mẹ có thể dành tặng những lời chúc và nhiều món quà ý nghĩa. Trong ngày lễ Vu Lan, những người con xa quê đều cố gắng thu xếp thời gian để về tụ họp với gia đình.
Dịp Lễ Vu Lan, mọi người thường đến chùa thắp hương, cầu nguyện, nghe các vị trụ trì thuyết giảng giáo lý; tham gia nghi thức phóng sinh. Những người đến chùa dự lễ còn được cài lên ngực áo một bông hồng nhỏ. Sắc hồng dành cho những ai còn mẹ và hoa trắng tiếc thương cho đấng sinh thành đã khuất. Dù mang trên mình sắc hoa nào, trong giây phút thiêng liêng của lễ báo hiếu, khách thập phương đều cùng một lòng hướng đạo, tri ân công ơn của đấng sinh thành.
Lễ Vu lan cũng là dịp để mỗi người con cúi đầu suy nghĩ, lắng lòng mình lại để thêm hiếu kính cha mẹ, để nuôi dưỡng tình cảm thêm nồng ấm, trách nhiệm. Với những ai may mắn còn cha mẹ thì tự nhắc nhở mình hãy cố gắng hết lòng hiếu kính, lễ phép, chăm sóc cha mẹ chu đáo. Còn người mà cha mẹ đã đi xa thì tự nhắc mình không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời luôn giữ gìn nền nếp gia phong, anh em hòa thuận để ở nơi xa xôi cha mẹ có thể mỉm cười.
Dâng cúng một lễ Vu lan không khó, việc 365 ngày trong năm và dài hơn nữa con cháu đầy ắp lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ mới thật khó. Với tinh thần Vu Lan, mỗi người con hãy coi đó là cơ hội cho mình bày tỏ lòng biết ơn, hiếu kính cha mẹ, để cha mẹ vui lòng và là bài học trực quan đầy ân nghĩa cho con cái noi theo. Nghĩ như thế thì mỗi ngày chăm sóc cha mẹ càng thiêng liêng quý giá biết bao.
Tháng Bảy, theo truyền thống còn có lễ Xá tội vong nhân, nghĩa là những linh hồn tội lỗi cũng được tha tội, mang hàm ý nhắc nhở mỗi người về tình yêu thương, về lòng nhân ái, không chỉ yêu thương cha mẹ, anh em mình mà thương yêu mọi người trong xã hội, thương yêu đồng loại nói chung.
Theo TTXVN