Thắng cảnh chùa Hương đã đi vào văn chương nghệ thuật, trở thành điểm thu hút du khách bốn phương mỗi độ xuân về.
Thắng cảnh chùa Hương đã đi vào văn chương nghệ thuật, trở thành điểm thu hút du khách bốn phương mỗi độ xuân về. Bài thơ "Đi hội chùa Hương" của Chu Huy thể hiện cảm xúc say mê trong mùa lễ hội và niềm tự hào của tác giả trước cảnh đẹp non sông, đất nước.
Ở bốn câu thơ mở đầu, tác giả miêu tả quang cảnh chùa Hương đang mùa lễ hội. Con người và cảnh vật hiện ra thật náo nức, thanh tân. Người, xe "nườm nượp" theo mùa xuân trẩy hội lên chùa Hương. Thiên nhiên cũng khoác lên mình lụa là áo mới, muôn ngàn cánh hoa "xúng xính" đón mời. Tất cả hiện lên sống động, tươi vui qua phép nhân hóa và các từ láy giàu sức gợi: "Nườm nượp người, xe đi/Mùa xuân về trẩy hội/Rừng mơ thay áo mới/Xúng xính hoa đón mời".
Hòa vào lễ hội thiêng liêng và rạng rỡ sắc màu, lòng người cũng dạt dào biết bao cảm xúc. Chùa Hương dù xa vời trên núi cao bỗng trở thành nơi gặp gỡ, kết giao tình người muôn nẻo. Một câu chào mời cởi mở để nhận ra người cùng quê quán thân thương. Mỗi bước đi lên từng bậc đá để viếng cảnh chùa Hương như lạc vào không gian huyền ảo, thanh khiết, ngỡ ngàng đang lần mở từng trang cổ tích xa xưa. Từ đó, nhà thơ bỗng thấy lòng mình tự hào về một đất nước thanh lịch và đầy mộng mơ: "Bước mỗi bước say mê/Như giữa trang cổ tích/Đất nước mình thanh lịch/Nên núi rừng cũng thơ".
Đỉnh điểm của cảm xúc trong lòng người trẩy hội chính là tiếng lòng "bổi hổi" dù không có ai đợi chờ, đồng bộ với mình. Có lẽ giữa khung cảnh thần tiên, thoát tục, tình người muôn hướng kết giao qua ánh mắt nụ cười, câu chào mời thân thiết đã khiến tâm hồn tác giả bay bổng, chơi vơi như đi trong khói sương để nghe một mùi thơm vương vấn. Khổ thơ thứ tư thật ảo diệu, mơ màng và say đắm, có thể xem là khổ thơ thăng hoa cảm xúc nhất của tác giả: "Dù không ai đợi chờ/Cũng thấy lòng bổi hổi./Lẫn trong làn sương khói/Một mùi thơm cứ vương".
Sau khoảnh khắc thả tâm hồn "bổi hổi" cùng với khói sương vương vấn, nhà thơ đã chạm chân mình đến các hang động trên đỉnh chùa Hương linh diệu, thiêng liêng. Từng âm thanh rung ngân như từ cõi nào xa lắm vọng về, huyền ảo và vang ngân qua từng thớ đá, từng ngọn gió phiêu bồng trong hang động: "Động chùa Tiên, chùa Hương/Đá còn vang tiếng nhạc/Động chùa núi Hinh Bồng/Gió còn ngân khúc hát".
Đến khổ thơ cuối bài, tâm niệm và suy tư của tác giả trước không gian lễ hội chùa Hương được thể hiện rõ nét nhất. Đó là hai chiều cảm xúc đều được trân trọng, nâng niu. Đi chùa Hương đâu chỉ có niềm tín ngưỡng tôn giáo mà còn là tình cảm mến yêu với cảnh đẹp non sông, đất nước; sâu lắng hơn là cả niềm xuyến xao kết đọng tình người: "Ôi phải đâu lễ Phật/Người mới đi chùa Hương/Người đi thăm đất nước/Người về trong yêu thương".
Bài thơ "Đi hội chùa Hương" là tác phẩm thơ viết về thắng cảnh đất nước gắn với lễ hội dân gian thật thiết tha, sâu lắng. Từ một không gian chùa Hương cụ thể, người đọc vẫn cảm nhận được tình yêu của nhà thơ với cảnh đẹp non sông, đồng thời còn là niềm khát khao về tình người yêu thương vững bền, mãi mãi.
LÊ THÀNH VĂN
Đi hội chùa Hương Nườm nượp người, xe điMùa xuân về trẩy hội Rừng mơ thay áo mới Xúng xính hoa đón mời. Nơi núi cũ xa vời Bỗng thành nơi gặp gỡ. Một câu chào cởi mở Hóa ra người cùng quê. Bước mỗi bước say mê Như giữa trang cổ tích. Đất nước mình thanh lịch Nên núi rừng cũng thơ. Dù không ai đợi chờ Cũng thấy lòng bổi hổi. Lẫn trong làn sương khói Một mùi thơm cứ vương. Động chùa Tiên, chùa Hương Đá còn vang tiếng nhạc. Động chùa núi Hinh Bồng Gió còn ngân khúc hát. Ôi phải đâu lễ Phật Người mới đi chùa Hương Người đi thăm đất nước Người về trong yêu thương. CHU HUY |