Tháng bảy Trường Sơn

24/07/2022 05:51

Những ngày tháng bảy, hàng triệu đồng bào cả nước đã về thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị để tưởng nhớ, tri ân những liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.


Các cô bộ đội Trường Sơn hát trước hàng mộ của đồng đội khiến bất cứ ai cũng xúc động

Nơi đây là địa danh lịch sử đã khắc sâu vào tâm khảm của người dân Việt Nam như một bản tráng ca bất tử.

Các anh nằm lại cho Tổ quốc hòa bình

Trường Sơn ơi, Trường Sơn ơi/ Đèo vút cao vượt qua mây gió/ Đạp đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân/ Đi ta đi những trai làng Phù Đổng/ Còn gì đẹp hơn đường ra trận mùa xuân...

Những lời hát của 3 nữ cựu binh bỗng cất lên cao vút giữa bạt ngàn hàng mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Quảng Trị mùa này đẹp lắm và đầy nắng gió. Ngay khi chiến tranh kết thúc, quân và dân ta đã bắt tay ngay vào tái thiết để có một thị xã Quảng Trị "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Quảng Trị - nơi diễn ra những trận chiến oai hùng cách đây nửa thế kỷ ngày nay có những con đường rộng dài, những kiến trúc hiện đại đan xen với những vết tích chiến tranh soi bóng bên dòng Thạch Hãn linh thiêng và huyền thoại.

- Đừng hỏi tên, đừng hỏi đơn vị, đừng hỏi quê quán các cô. Hãy gọi các cô là bộ đội Trường Sơn thế thôi. Hàng nghìn đồng đội của cô nằm lại Quảng Trị còn chưa tìm được đường về, còn chưa biết được tên... - Người nữ cựu chiến binh nói với tôi như thế, rồi khẽ lau những giọt nước mắt vừa lăn trên gò má đã hằn đầy những vết chân chim.

Nửa thế kỷ trước, các cô, các bác là những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi hừng hực khí thế lên đường đánh giặc. Dãy Trường Sơn cao vút trong mây, những dãy đá tai mèo dựng đứng có thể làm nản lòng những cánh đại bàng mạnh mẽ nhất nhưng không làm chùn bước chân ra trận của những con người ấy. Họ ra đi với tâm thế "Ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên".

Được ví như điểm tỳ vai của chiếc đòn gánh nặng trĩu 2 đầu đất nước, nhắc đến Quảng Trị là nhớ đến Thành cổ, Khe Sanh, Đường 9... những chiến trường đặc quánh khói bom. Đây là địa bàn chiến lược để thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" nên Mỹ cùng chính quyền Sài Gòn tập trung lực lượng và những vũ khí, khí tài hiện đại bậc nhất giáng xuống Quảng Trị nhằm thay đổi tương quan lực lượng và cục diện trên chiến trường. Song với khí thế của những Chi Lăng, Bạch Đằng lịch sử, quân và dân ta lần lượt bẻ gãy các cuộc tấn công của địch, làm nên thắng lợi cuộc tiến công Trị - Thiên năm 1972.

Trong các cuộc chiến không khoan nhượng ở nơi túi bom, chảo lửa ấy, hàng vạn người con ưu tú của đất nước cùng đồng bào ta đã ngã xuống. Ngày nay, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn có 10.263 liệt sĩ. Nhiều anh chị trong số ấy chưa biết tên, đơn vị, trên bia mộ chỉ vỏn vẹn dòng chữ "Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin". Những con người có tên, có tuổi nhưng vô danh trên chính đất nước mình là nỗi quặn thắt, là niềm đau của bất cứ ai đến Quảng Trị vào những ngày tháng bảy.

Trong số hơn 1 vạn liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn có 789 anh chị quê Hải Dương, Hưng Yên được quy tập vào khu "Liệt sĩ Hải Hưng". Bên cạnh đó là "Liệt sĩ Thái Bình", "Liệt sĩ Hà Bắc"... Chắc hẳn địa phương nào trong cả nước cũng có những người con ngã xuống trên mảnh đất này. Anh linh của các anh, các chị đã hòa vào hồn thiêng sông núi, ở lại mãi mãi với Quảng Trị thành đồng. Các anh chị cùng nằm lại dưới một mái nhà chung mãi mãi ở tuổi 20 yêu dấu. Dù chưa ai kịp bước chân về phía hòa bình nhưng máu đào của họ đã làm nên những mùa xuân bất tử, làm nên những bản tình ca về một thời máu và hoa của một thế hệ anh hùng, của một dân tộc anh hùng.

"Liệt sĩ Bùi Văn Nhung, sinh năm 1947, Lương Điền, Cẩm Giàng, hạ sĩ, chiến sĩ, đơn vị 559, hy sinh 10.4.1968; Liệt sĩ Nguyễn Xuân Hiến, sinh năm 1948, Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương, cấp bậc hạ sĩ, chức vụ chiến sĩ, đơn vị d98/k5"... Ông Nguyễn Vinh ở Linh Trường, Gio Linh (Quảng Trị) có hơn 10 năm chăm nom các phần mộ liệt sĩ Hải Hưng có thể đọc vanh vách từng tên tuổi, đơn vị của liệt sĩ Hải Hưng. Với ông, chăm nom mộ liệt sĩ là vinh dự, đó là việc phải làm để các anh, các chị đỡ cô quạnh, để an ủi cho anh linh của họ, những người từ miền xa đến chiến đấu và nằm lại mảnh đất này. 

"Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ"


Những ngày tháng bảy, từng đoàn người trên khắp mọi miền Tổ quốc lại tìm về khúc ruột miền Trung để tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc

Cách Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn chỉ chừng 20 km là Thành cổ Quảng Trị - địa danh đã đi vào sử sách, đi vào tâm khảm của người dân đất Việt và một phần của thế giới như một bản tráng ca bất tử. 50 năm về trước, nơi đây đã diễn ra trận chiến 81 ngày đêm đỏ lửa.

Năm 1972, khi đang chiến đấu ở cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng của Lào, ông Hoàng Kim Mười ở thôn Mỹ Hảo, xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) được lệnh rút về bảo vệ Thành cổ. Ông Mười có 11 tháng chiến đấu ở đây và tham gia trọn vẹn chiến dịch 81 ngày đêm. Thời tiết thì khắc nghiệt, lương thực không thiếu thốn nhưng không ăn được vì bom đạn liên tiếp dội xuống cộng với mùi tử sĩ ở khắp nơi. Trong ký ức của ông Mười vẫn còn nhớ như in những lần các đoàn quân vượt dòng Thạch Hãn vào Thành cổ. Có những đơn vị vào hôm trước thì hôm sau chỉ còn lại mấy người. Ông Mười nói mình may mắn được trở về vì đơn vị đặc công của ông thường xuyên đánh giáp lá cà, còn ông làm nhiệm vụ cắm cờ mỗi khi giành giật được từng tấc đất với kẻ thù.

- Hy sinh nhiều lắm, hy sinh lúc vượt sông, vào được Thành cổ thì bị pháo bom dội xuống - ông Hoàng Kim Mười kể lại.

Trong chiến dịch 81 ngày đêm, ông Mười bị mảnh đạn từ súng phóng lựu làm mù mắt tạm thời và ngất lịm. Tỉnh lại, ông tiếp tục cầm súng, vì "đã vào thành thì phải chiến đấu, chỉ có đường tiến chứ không có đường lùi", ông Mười hồi tưởng. Ông vẫn luyến tiếc vì chưa một lần được quay lại chiến trường xưa để thăm đồng đội còn nằm lại đó - những người có thể từng chung một chiến hào, có thể chưa biết mặt, biết tên nhưng đều là đồng chí. Hòa bình lập lại, ông Mười trở về quê với thương tật 31%, nhưng người anh trai của ông phải nằm lại chiến trường. Ông là liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kim Lếnh. Ông Lếnh là liệt sĩ duy nhất của huyện Cẩm Giàng được truy tặng danh hiệu cao quý này.

Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm đỏ lửa từ ngày 28.6 - 16.9 là một túi bom, chảo lửa. Trung bình mỗi ngày, địch huy động từ 150 - 170 lần máy bay phản lực, 70 - 90 lần B52 ném bom hủy diệt thị xã và Thành cổ. Với diện tích chưa đầy 3 km2, trong 81 ngày đêm, thị xã và Thành cổ phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Có ngày, số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong các năm 1968-1969. Dữ dội nhất là ngày 25.7, thị xã phải chịu 35.000 quả đạn pháo của Mỹ, chưa kể bom...

Dưới sức công phá khủng khiếp của vũ khí Mỹ, chỉ có những con người mình đồng, da sắt với một niềm tin tất thắng mới đẩy lùi được kẻ thù và giành chiến thắng. 81 ngày đêm chịu mưa bom, bão đạn ấy nên Thành cổ không hề có một ngôi mộ riêng mà chỉ có một nấm mồ chung. Máu xương của các anh chị đã hòa vào đất, hòa vào cây cỏ để làm nên một Thành cổ oai hùng mà bi tráng. Vì thế mà, một lần vào đây, nhạc sĩ Tân Huyền đã rút ruột thành những lời ca: "Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ... Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/ Cho tôi hôm nay vào Thành cổ/ Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ...".

Người ta nói, ngay dưới lớp cỏ tươi non của Thành cổ ấy là liệt sĩ, vậy nên từng nhành cây, ngọn cỏ, từng nắm đất nơi đây đều được nâng niu, trân trọng. Thành cổ - mảnh đất thiêng thấm đẫm máu đào nằm soi bóng bên dòng Thạch Hãn linh thiêng và huyền thoại. Dòng sông đã đi vào thơ ca, âm nhạc, khắc ghi vào tâm khảm của những người con đất Việt như một bản tráng ca bất tử.

Bên bờ nam, bờ bắc của dòng Thạch Hãn còn khắc những câu thơ mang nặng nỗi niềm khắc khoải của cựu binh Thành cổ Lê Bá Dương: Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm. Chuyện kể, năm 1987, ông Lê Bá Dương mang hoa tươi đến thăm đồng đội trên dòng Thạch Hãn, người chèo đò thuê là một bà cụ. Nghe tiếng đò máy khuấy động dòng sông, ông khóc. Chợt bà cụ quỳ xuống khóc:

- Mi làm rứa sao mệ dám lấy tiền của mi!

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ, ra đời như thế. Đáy sông còn anh linh của hàng nghìn liệt sĩ. Các anh nằm lại và đã hòa vào sóng nước làm tươi xanh cây lá, làm mùa màng tốt tươi trên mảnh đất từng là chiến trường khốc liệt bậc nhất của thời chiến tranh chống Mỹ.

Quảng Trị thành đồng. Còn nhiều, nhiều câu chuyện chiến tranh và chuyện về các anh hùng liệt sĩ ở đây mà không bút mực nào tả xiết. Để có hòa bình, độc lập là máu xương của lớp lớp những người con đất Việt. Những ngày tháng bảy, trong hành trình tâm linh của mình, hàng triệu đồng bào lại tìm về khúc ruột miền Trung, trong số ấy có rất nhiều bạn trẻ - những người chỉ biết chiến tranh qua phim ảnh. Song đứng trước Thành cổ oai hùng, đứng trước những bạt ngàn ngôi mộ ở các nghĩa trang, họ sẽ phần nào hiểu được sự tàn ác của chiến tranh, để trân trọng hòa bình!

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháng bảy Trường Sơn