Tôi thẫn thờ nhìn tháng bảy trôi ngang với cái nắng như thiêu như đốt, rồi lại mưa tầm mưa tã. Chợt nhận ra bản thân mình đã trải qua hơn ba chục mùa tháng bảy, lòng bâng khuâng với biết bao kỷ niệm…
Tôi thẫn thờ nhìn tháng bảy trôi ngang với cái nắng như thiêu như đốt, rồi lại mưa tầm mưa tã. Chợt nhận ra bản thân mình đã trải qua hơn ba chục mùa tháng bảy, lòng bâng khuâng với biết bao kỷ niệm…
Tháng bảy tôi nhớ về những mùa cấy ở quê. Cũng tầm giờ này quê tôi đang vụ cấy, người người í ới gọi nhau ra đồng. Cô bạn của tôi, là dân thành phố thứ thiệt, chép miệng rằng, có về quê vào vụ cấy, vụ gặt mới thấy được sự lam lũ, vất vả của những người nông dân. Tôi thì vốn sinh ra ở quê, lớn lên từ ruộng, mọi gian khổ đều đã trải qua. Tôi cười với bạn: “Ừ, nông dân khổ vậy đấy”. Tự dưng trong lòng thấy thương quá người nông dân quê mình, thương cha mẹ áo gụ nâu sòng một nắng hai sương, đắm mình giữa mùa nắng để cấy lúa. Cha mẹ tôi có thâm niên hơn 20năm với nghề ruộng. Năm tháng bào mòn thanh xuân của cha mẹ, đánh đổi bằng những vết đồi mồi, vết chân chim cùng làn da sạm đen. Cha mẹ sinh ra tôi, sinh từ đồng ruộng bùn lầy, tôi thương cha mẹ và thương tháng bảy quê nhà lòng quặn thắt…
Tháng bảy, có một ngày mà ai cũng sẽ rất nhớ, Ngày Thương binh, liệt sĩ. Thế hệ trẻ chúng tôi, mặc dù được sinh ra trong thời bình nhưng cũng khắc sâu công ơn các bậc ông cha đã ngã xuống. Đi giữa tháng bảy, giữa những buổi tình nguyện thắp nến tri ân, lòng càng tự hào với các bậc cha ông đi trước. Chúng tôi thành tâm dọn vệ sinh nghĩa trang, tổ chức quyên góp, giúp đỡ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tỉ mẩn bên những ngôi mộ, tôi hiểu được phần nào giá trị của hòa bình, của công sức ông cha đánh đổi bao xương máu. Mỗi tháng bảy thắp một nén hương lên mộ những người đã ngã xuống mà lòng nghẹn ngào không nói nên lời.
Năm nào những ngày này tôi cũng phải bật ti vi xem bằng được những chương trình tri ân. Còn gì xúc động hơn khi chứng kiến những “nhân chứng sống” kể lại chuyện xưa. Những bộ phim tư liệu trong thời kỳ lịch sử oanh liệt luôn mang đến cho tôi những cảm xúc khó nói nên lời. Ngồi xem lại những trang sử vẻ vang hào hùng của dân tộc, của những anh bộ đội Cụ Hồ có nỗi buồn đọng lại trong đôi mắt người lính năm xưa. Giọng người lính năm nào giờ hào sảng nhưng vẫn run rẩy khi nhắc lại chuyện cũ. Những người bạn năm xưa của thế hệ cha ông, có người đã mất, có người còn nhưng lưu lạc tứ phía muôn phương. Những cuộc hành trình lưu lạc đồng đội, không biết qua bao nhiêu năm, trong phút giây ngắn ngủi, những năm cuối của đời người, gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Đồng đội của ông cha ngồi sát bên nhau, tay nắm chặt và cùng cất những khúc hát hào hùng, để rồi chia tay, những chuyến xe đưa mỗi người đi mỗi ngả, nhưng phút lắng đọng của ngày tháng bảy là một nén hương lòng nhớ về những người đã nằm xuống cho quê hương…
Tháng bảy có mùa báo hiếu tới các đấng sinh thành. Đức Phật dậy rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật, đạo hiếu là đạo Phật”. Một mùa Vu Lan nữa lại đến và sắp sửa đi qua, kéo theo những tháng ngày hạnh phúc của chúng ta được ở bên cha mẹ, người thân dần ngắn ngủi thêm chút nữa. Mùa Vu Lan để tôi lắng lại, chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc đời, sống chậm và yêu thương nhiều hơn. Thật may mắn cho ai vẫn còn cha mẹ để mỗi tháng bảy cài lên ngực những bông hồng đỏ thắm. Và một bông hồng màu trắng cài lên ngực mình cho tấm lòng hối lỗi, ăn năn như một sự mất mát lớn lao vì lâu nay mình không biết trân trọng tình cảm thiêng liêng khi cha mẹ đang còn.
Tháng bảy, gửi về những bâng khuâng…
Tản văn của MAI HOÀNG