Tháng ba về, tiết trời hãy đương còn xuân, người người hãy còn nô nức du xuân, hội hè nhưng mẹ thì đã quẩy gánh ra đồng. Mẹ làm nông thì mẹ làm bạn với ruộng, chứ còn gì nữa. Mẹ lý giải như vậy với một nụ cười rất tươi.
Tháng ba về, tiết trời hãy đương còn xuân, người người hãy còn nô nức du xuân, hội hè nhưng mẹ thì đã quẩy gánh ra đồng. Mẹ làm nông thì mẹ làm bạn với ruộng, chứ còn gì nữa. Mẹ lý giải như vậy với một nụ cười rất tươi.
Đồng tháng ba như một bức tranh cỡ đại phủ đầy màu xanh lá mạ non tơ. Thi thoảng có một vài đốm trắng của những chú cò dạo chơi và chiếc nón trắng nhấp nhô của người nông dân lầm lũi, cần mẫn như mẹ. Ngày còn nhỏ tôi thường lẽo đẽo theo mẹ ra đồng. Dưới ruộng mẹ làm cỏ cho lúa còn tôi trên bờ, men theo đường lớn chọc ghẹo những chú cò. Những chú cò đôi khi cũng gây phiền phức cho những ruộng lúa vừa mới bén rễ, chúng tìm kiếm mồi, chẳng biết đường tránh, cứ thế dẫm đạp lên những cây lúa non. Nhưng mẹ vẫn “bênh” chúng. Khi thấy tôi ghẹo cò, mẹ lại hét thật lớn: “Đừng chọc nó, năm sau nó mà không về nữa thì buồn lắm”. À, thì ra những chú cò chính là người bạn của mẹ khi đi làm đồng.
Tháng ba, tiết trời âm ấm, nồm ẩm tạo điều kiện cho vạn vật sinh sôi. Thế nên ngoài lúa thì cỏ đồng cũng phát triển rất nhanh. Khi đó những kẻ chăn trâu, chăn bò như tôi lại chẳng muốn thả trâu, bò lên đồi như mọi khi nữa mà cột nó vào một gốc cây lớn, cắp cái sọt ngang hông theo mẹ ra đồng cắt cỏ. Chao ôi, cắt cỏ mùa xuân thích lắm. Chịu khó ngồi lê một đến hai bờ ruộng là có lưng sọt cỏ. Thả trâu bò trên đồi cả ngày chưa chắc đã no nhưng cắt cỏ chỉ độ hơn một tiếng bò ăn no cả ngày. Tôi cứ đùa mẹ, giá như cả cái đồng này trồng cỏ thì tốt biết nhường nào.
Mẹ ra đồng, lúa khỏe mạnh thì còn đỡ, chứ lúa bị bệnh mẹ cứ lo âu, mặt mày buồn rũ, thở dài liên tục. Khoảnh khắc nào cũng thấy mẹ nhắc tới cây lúa và hỏi han người nọ, người kia để tìm cách trị lúa bị bệnh. Mẹ ra đồng thường xuyên hơn, lấy nước, tháo nước vào ruộng. Mẹ không quản ngại đường xa, gánh từng gánh vôi bột rắc vào từng gốc lúa. “Mẹ chăm lúa hơn chăm chúng con rồi”, tôi đùa mẹ. Mẹ mắng: “Bậy, tao chăm chúng mày nhất, sau đó mới đến ruộng đồng”. Thế mới thấy, cả cuộc đời của mẹ chỉ có chồng con và ruộng đồng.
Ở ngoài đồng, có mấy gốc gạo cổ thụ cứ đến tháng ba là hoa bung nở một màu đỏ rực. Lần ra đồng nào, mẹ cũng nhặt dăm ba bông gạo về cho tôi chơi. Tôi thì bất ngờ với món quà này lắm! Tôi không biết tại sao mẹ biết tôi thích hoa gạo mà nhặt về cho mình? Những bông gạo mẹ nhặt về, tôi xếp trên giá sách, mỗi lần học ngắm chúng, để chúng khô thành những bông hoa kỷ niệm. Nhớ tới hoa là nhớ tới mẹ, nhớ cái dáng lưng hơi còng, quần ống thấp ống cao, bước chân vội vội vàng vàng.
Những cây lúa rồi sẽ trổ bông. Chị em tôi lớn lên từ những hạt gạo của mẹ, không biết bao nhiêu mùa tháng ba đã qua.
*
Tháng ba này mặc dù cũng đã trải qua gần 60 năm cuộc đời nhưng mẹ vẫn ra đồng. Tôi bằng nửa số tuổi của mẹ, lòng bâng khuâng nghĩ tới những mùa tháng ba đồng lúa xanh mướt mắt, chỉ mong sao không chỉ tháng ba này mà còn nhiều tháng ba về sau nữa mẹ vẫn khỏe và ra đồng. Dù muốn mẹ ở nhà ngơi nghỉ nhưng tôi không thể ngăn cản, bắt mẹ làm theo suy nghĩ của mình, bởi tôi nghĩ dường như cánh đồng tiếp thêm cho mẹ sức sống và niềm vui, mà mẹ vui là anh chị em tôi vui…
Tản văn của MAI HOÀNG