Chính trị

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Điểm chung của 3 chương trình mục tiêu quốc gia là chậm

PHONG TUYẾT 30/10/2023 18:32

Ngày 30/10, Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

301020230231-dinh-thi-ngoc-dung.jpg
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng cần trao cần câu cho người biết câu mới giảm nghèo bền vững. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chỉ rõ 3 cái chậm chung của 3 chương trình mục tiêu quốc gia là chậm ban hành văn bản, chậm hướng dẫn, chậm giải ngân.

Phát biểu thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV về Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng mục tiêu của chương trình đang lồng ghép, chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị tách bạch từng mục tiêu trong Chương trình. Chính sách hỗ trợ cần được xây dựng dựa trên quan hệ và các quy luật thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế.

"Về đối tượng thụ hưởng chính sách có sự thay đổi từ chỉ hỗ trợ người dân con cá sang hỗ trợ cái cần câu. Tuy nhiên, đâu phải ai có cần câu cũng đều biết cách câu. Chính vì thế, các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, mô hình sinh kế triển khai thời gian qua phần lớn có mức chi, cách thực hiện vẫn theo cách làm cũ dẫn đến chất lượng cuộc sống người dân chưa cải thiện thực chất", đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung thảo luận tại hội trường.

301020231058-nguyen-thi-viet-nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chỉ rõ điểm hạn chế chung nhất của 3 chương trình là chậm tiến độ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Theo đại biểu, các chính sách không nên làm đại trà trong thời gian dài mà cần khai thác sâu hơn nữa vào chủ thể có khả năng có hiệu quả, tức là chỉ tập trung hỗ trợ cần câu cho người biết câu. Đồng thời chuyển hẳn từ hình thức cho không là chủ yếu sang cho vay là chủ yếu và trao cần câu cho những người biết câu. Từ đó, các doanh nghiệp, hộ khá, hộ giàu tại các vùng khó khăn sẽ là động lực cho các hộ khác xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững.

Tham gia thảo luận vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chỉ rõ điểm hạn chế chung nhất của 3 chương trình là chậm tiến độ, cụ thể là chậm triển khai ban hành các văn bản, chậm hướng dẫn, chậm giải ngân. Đại biểu cho rằng những chậm trễ trên liên quan đến năng lực và tinh thần, trách nhiệm của cán bộ trong thực thi công vụ.

PHONG TUYẾT
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Điểm chung của 3 chương trình mục tiêu quốc gia là chậm