Ngày 6.11, Quốc hội nghe, thảo luận các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án và phòng, chống tham nhũng năm 2017.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cảnh báo phải chặn ngay tình trạng tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ
Có dấu hiệu cán bộ tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp
Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Theo báo cáo của Chính phủ, công tác phòng chống tham nhũng tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Ủy ban tán thành với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng; đồng thời tán thành với đánh giá rất nghiêm túc của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác phòng chống tham nhũng. Hiện nay, việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về phòng chống tham nhũng nói riêng còn chưa nghiêm. Một số cán bộ, công chức còn có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp. Nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, sân sau mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri, nhưng qua một số vụ án lớn được xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ.
Ủy ban Tư pháp cho rằng, chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm tuy đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, cấp huyện hoặc những vụ tham nhũng kinh tế lớn do cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra. Còn nhìn chung ở cấp tỉnh, ở một số bộ, ngành, việc phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng còn ít, trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những khu vực này vẫn còn nghiêm trọng, nhất là ở một số bộ, ngành có thẩm quyền phân bổ các nguồn lực đầu tư, tài chính, xét duyệt dự án, công trình, quản lý cấp phép về khai thác khoáng sản, xuất nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu… hoặc ở những tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản, có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, không loại trừ ở cả các tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa được hưởng các ưu đãi từ ngân sách nhà nước...
Nguy cơ xuất hiện "thế hệ tham nhũng" thứ 2
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2017. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đặt câu hỏi: Có hay không tham nhũng trong bổ nhiệm công chức? Nếu có thì báo cáo chưa đầy đủ, còn nếu không sao nói đúng quy trình mà người có tài, có đức không được bổ nhiệm, còn người kém lại được trao quyền?
Cho rằng phòng chống tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ là rất khó, đại biểu Nguyễn Mai Bộ phân tích, chỉ có hành vi nhận đưa hối lộ và chỉ có hai người nên không bao giờ họ khai báo, dù có người thứ 3 thì cũng không có chứng cứ hoặc có chứng cứ nhưng không đủ. “Tham nhũng trong công tác cán bộ cần phải chống vì nếu không làm tốt vấn đề này thì hệ quả sẽ tạo đội ngũ cán bộ mà Nghị quyết Trung ương 6 đã đánh giá rất đau lòng! Làm tốt thì có đội ngũ cán bộ đủ chức quyền, liêm chính và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ. Còn ngược lại sẽ có đội ngũ yếu kém, mà nguy hiểm hơn là thế hệ tham nhũng thứ hai xuất hiện vì sau khi chạy để có quyền thì người đó phải tính bài thu lại và không có cách nào khác là tham nhũng”, đại biểu Bộ nói.
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề cập “cả họ làm quan” ở cấp xã và nhấn mạnh, vấn đề này cần phải nhận diện rõ bản chất vấn để xử lý vì đó là đòi hỏi của người dân với công bộc của dân đang hưởng lương từ ngân sách do dân đóng góp. Nêu thực tế này ở cấp xã, đại biểu Dung lưu ý, tuy là “tham nhũng vặt” nhưng tác hại khôn lường, làm hư hỏng nền công vụ, làm cải cách hành chính trì trệ ngay từ cơ sở, làm mất lòng tin của người dân. “Nếu quan điểm nhà dột từ nóc là nguy hiểm thì lũ lụt thấm vào nền móng còn nguy hại hơn rất nhiều vì nền móng mà lún sụt thì không nhà nào đứng nổi”, đại biểu Dung nhấn mạnh và đề nghị trong cuộc chiến chống tham nhũng cần chú trọng xây dựng đội ngũ công chức ở cấp xã mạnh về mọi mặt...
Ngày 7.11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường.
TTXVN