Chuyến thăm nhà sàn năm ấy đã giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống giản dị của Bác, điều mà chúng tôi chỉ được nghe cô giáo dạy văn kể khi học những bài thơ viết về Bác.
Năm nay do bố mẹ bận và tình hình dịch bệnh phức tạp nên tôi lại không được lên Hà Nội thăm dì Hoa. Còn nhớ, 2 năm trước do đạt danh hiệu học sinh giỏi nên bố mẹ đã thưởng cho tôi một tuần lên nhà dì Hoa chơi. Vào một ngày cuối tuần hôm ấy, mấy chị em đã được dì cho đến viếng Lăng Bác và thăm nhà sàn nơi Bác Hồ ở những ngày còn sống.
Còn nhớ hôm ấy, tuy đã vào hè nhưng trời nắng dịu vì hôm trước có một trận mưa to. Vì thế mà bầu trời trong xanh hơn. Chú tôi lái xe, dì, hai em và tôi ngồi sau luyên thuyên đủ thứ chuyện. Lâu không được lên thủ đô nên với tôi cái gì cũng mới lạ. Đi qua những tuyến đường của Hà Nội tôi choáng ngợp bởi những ngôi nhà cao tầng, những con phố đông đúc người và xe cộ. Nhưng gần đến Lăng Bác thì không khí khác hẳn, thoáng đãng hơn. Hai bên đường những cây sấu cổ thụ xanh mát như những chiếc ô khổng lồ che mưa, che nắng cho người đi đường. Vừa đến Lăng Bác, chị em tôi chạy nhanh ra quảng trường. Nơi đây thật rộng lớn, những thảm cỏ như những ô bàn cờ. Phía xa xa, Lăng Bác uy nghiêm, trầm mặc. Sau khi vào Lăng viếng Bác, chúng tôi được đến thăm nhà sàn nơi Bác Hồ từng ở. Tôi ấn tượng nhất khi đến nơi đây. Trong không gian xanh mát, ngôi nhà sàn nhỏ nhắn ẩn hiện giữa những tán cây. Dì tôi bảo, nhà sàn là nơi Bác ở lâu nhất và cũng là nơi Bác ở những năm tháng cuối đời. Nơi đây gắn với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Vì thế nhà sàn vừa là di sản kiến trúc, vừa là di sản văn hóa, chứa đựng giá trị tinh thần to lớn.
Giọng thuyết minh của cô hướng dẫn viên du lịch như hút hồn mấy chị em tôi. Tôi cũng bị cuốn vào câu chuyện cô kể mà quên cả việc phải dắt em Tôm đi cùng. Cô hướng dẫn viên giọng nhẹ nhàng kể cho đoàn người về những kỷ vật của Bác ở nhà sàn và tình cảm của nhân dân cả nước gửi gắm về đây qua từng vật dụng, từng khóm cây trong vườn. Trước mắt tôi là những vật dụng của Bác Hồ thật giản dị, đơn sơ. Dù qua bao năm tháng vẫn được lưu giữ rất cẩn thận. Hôm đó, khách đến tham quan nơi đây khá đông. Tôi thấy có cả những khách nước ngoài cũng đến tìm hiểu về nơi ở của Bác. Họ đi thành từng đoàn và có người hướng dẫn riêng.
Mấy chị em tôi khá thích thú khi được đến ao cá Bác Hồ. Nước ao xanh trong, soi bóng những tàu lá dừa. Mỗi khi có khách đến tham quan đàn cá lại bơi quanh cầu ao. Điều kỳ lạ là mỗi khi khách đến tham quan vỗ tay là đàn cá tụ lại ở bậc cầu ao để được cho ăn. Dì tôi bảo đàn cá vàng ở đây được huấn luyện nên mỗi lần vỗ tay cá biết là được cho ăn. Nghe dì nói vậy, mấy chị em tôi cũng mang những mẩu bánh mỳ nhỏ đến bên bờ ao. Em Tôm, con dì Hoa vỗ tay thử thì thật lạ đàn cá vàng con to, con nhỏ từ đâu bơi vào, đông đúc. Mấy chị em chúng tôi háo hức đứa vỗ tay, đứa cho cá ăn. Mải mê đến nỗi dì tôi phải giục vài lần chị em tôi mới rời ao cá để đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Chuyến thăm nhà sàn năm ấy đã giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống giản dị của Bác, điều mà chúng tôi chỉ được nghe cô giáo dạy văn kể khi học những bài thơ viết về Bác. Năm nay dịch Covid-19 lại bùng phát ở nhiều nơi. Hà Nội cũng có nhiều ca mắc nên chắc tôi lại lỡ hẹn với dì Hoa. Sang năm khi dịch bệnh được kiểm soát nhất định tôi sẽ lên chơi, xin được đến viếng Lăng Bác và thăm lại nhà sàn một lần nữa.
ĐẶNG YẾN NHI
(lớp 8I, Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Hải Dương)